Những thách thức ngoại giao đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump
Sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump khó có thể tổ chức ăn mừng lâu do phải đối mặt với hàng loạt những thách thức về mặt ngoại giao đang chờ đón ông phía trước, từ vấn đề Trung Đông cho tới khối đồng minh châu Âu.
Chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối diện với hàng loạt thách thức
về chính sách ngoại giao. (Nguồn: Washington Post).
Khu vực Trung Đông
Các chuyên gia cho rằng, dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thu về thế phòng thủ ở cả 3 quốc gia Trung Đông. Giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ tin rằng việc đánh bại tổ chức khủng bố này, ít nhất là tại các thành trì lớn của chúng, chỉ còn là vấn đề về thời gian. Nhưng tổ chức này vẫn đang duy trì đội ngũ hàng chục nghìn tay súng, và đang có dấu hiệu cải tổ tổ chức để lớn mạnh trở lại.
Trong lúc ông Trump cam kết tổ chức một chiến dịch quân sự hữu hiệu hơn nhằm tiêu diệt IS so với người tiền nhiệm của ông, đến nay người ta vẫn chưa rõ ông sẽ đưa ra các biện pháp nào để có thể tránh được các hiệu ứng phụ không mong muốn - ví dụ như rạn nứt trong quan hệ với NATO và Thổ Nhĩ Kỳ, hay các vụ không kích nhầm thường dân…
Ngoài chiến lược tiêu diệt IS, ông Trump cũng sẽ phải cáng đáng cuộc chiến lâu dài nhất mà nước Mỹ từng tham gia, cuộc chiến Afghanistan. Bắt nguồn từ cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George W. Bush sau sự kiện ngày 11-9-2001, rồi sau đó thoái trào khi chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố rút quân, giờ đây cuộc chiến này nằm trong tay ông Donald Trump dù ông chưa hề đề cập gì tới kế hoạch của mình liên quan tới cuộc chiến này.
Ông Trump sẽ phải đưa ra quyết định về sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan trong bối cảnh phiến quân Taliban đang trỗi dậy trở lại trên khắp đất nước này, trong khi chính phủ chỉ có khả năng đảm bảo an ninh được cho ¾ dân số, và các lực lượng địa phương của họ đang hứng chịu tổn thất lớn.
Sự im lặng của ông Trump về vấn đề Afghanistan kể từ khi còn là một ứng cử viên đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu nước Mỹ có tiếp tục cuộc chiến dài kỳ chống khủng bố và xây dựng lực lượng ở quốc gia Trung Đông này hay không, và nếu có thì bằng cách thức nào?
Hạt nhân Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 trong tháng 9/2016, và lãnh đạo của họ, ông Kim Jong-un mới đây tuyên bố rằng đất nước ông đang trong “giai đoạn cuối cùng” của việc chuẩn bị phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Để phản ứng trước tuyên bố này, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng cuộc thử nghiệm tên lửa trên “sẽ không xảy ra” và ông đổ lỗi cho Trung Quốc đã từ chối giúp đỡ trong việc kiềm chế chính quyền Bình Nhưỡng.
Bàn đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên, bao gồm các chính phủ trong khu vực và cả nước Mỹ, đã bắt đầu từ năm 2003 nhưng lại bị ngừng lại do hàng loạt các vấn đề tranh cãi hồi năm 2008. Mỹ từng nói rằng họ sẽ không nối lại các vòng đàm phán này nếu như Bình Nhưỡng không chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, và tung ra các lệnh trừng phạt áp đặt với nước này hồi cuối năm ngoái.
Tổng thống Trump, người từng gọi ông Kim là có vấn đề về tâm thần và cũng từng nói rằng sẽ cùng gặp gỡ với ông để ăn hamburger, có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về vấn đề Triều Tiên ngay sau khi nhậm chức tại Nhà Trắng.
Khủng hoảng Ukraine
Trong khi tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn, chính phủ thân phương Tây của nước này hiện nay hết sức lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ coi diễn biến này như một công cụ ngã giá để cải thiện mối quan hệ với Nga, điều mà ông Trump từng tuyên bố sẽ làm.
Dù rằng đưa ra rất ít bình luận về vấn đề Ukraine trong giai đoạn tranh cử lẫn hậu tranh cử, ông Trump đã chỉ ra rằng ông ít quan tâm tới vấn đề Crimea hay Ukraine so với chính quyền Tổng thống Obama hay các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Ông Trump còn đặt ra câu hỏi về lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga do vấn đề Ukraine, cho rằng các lệnh trừng phạt này làm tổn hại cả các doanh nghiệp của Mỹ. Trong khi lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga mới đây đã được phê chuẩn và có hiệu lực ít nhất tới hết nửa đầu năm 2017, chúng có thể dễ dàng được xem xét lại nếu như chính quyền mới của ông Trump không muốn duy trì.
Thương mại và Trung Quốc
Từ trước khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã phải đối mặt với một thế lực khu vực đang trỗi dậy và sẵn sàng thách thức sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Ông Trump từng đưa ra các tuyên bố hết sức cứng rắn về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của mình, đổ lỗi cho nước này đã gây ra tình trạng thiếu việc làm ở nước Mỹ và hành động thao túng tiền tệ nhằm thu lợi trong thương mại. Nhưng vấn đề ngoại giao nghiêm trọng nhất chính là việc ông đã phá vỡ tiền lệ suốt nhiều thập kỷ qua của các đời Tổng thống Mỹ khi trực tiếp nói chuyện với lãnh đạo Đài Loan, điều mà chính quyền Bắc Kinh xem là một sự thách thức đối với chính sách “Một Trung Quốc” của họ.
Giới lãnh đạo Trung Quốc sau sự kiện đó tỏ ra băn khoăn khi không rõ liệu có phải họ đang phải đối phó với một thành viên đảng Cộng hòa có tư tưởng hệ kiểu cũ hay không.
Ngoài ra, ông Trump cũng lựa chọn một đội ngũ các lãnh đạo thương mại hết sức cứng rắn, điều khiến nhiều người lo ngại rằng ông đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại với phía Trung Quốc.
Quan hệ đồng minh với châu Âu
Khối đồng minh Mỹ-châu Âu - luôn đóng vai trò cột mốc của an ninh toàn cầu suốt nhiều thập kỷ qua - dựa trên các giá trị chia sẻ và lợi ích chung. Nhưng sau khi ông Trump đã tuyên thệ nhậm chức tại Washington, rất nhiều quốc gia ở châu Âu lo sợ về khoảng cách giá trị sẽ gia tăng.
Các tuyên bố mà ông Trump từng đưa ra liên quan tới biến đổi khí hậu, tra tấn, người nhập cư Hồi giáo, quy định pháp lý, thúc đẩy dân chủ, tự do báo chí, giải giáp hạt nhân và hàng loạt các vấn đề nóng hổi khác… đều đi ngược điều mà rất nhiều lãnh đạo châu Âu cho là cốt lõi của giá trị phương Tây.
Kể từ khi ông Trump đắc cử, giới chức châu Âu đã cố gắng nhấn mạnh về các điểm khác biệt này, chỉ ra các lợi ích mà cả hai bên đang chia sẻ thông qua hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương. Nhưng dường như điều đó là chưa đủ, và mối ràng buộc kết nối giữa châu Âu và nước Mỹ chắc chắn sẽ chịu nhiều thử thách dưới thời Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, khả năng châu Âu thách thức ông Trump là rất hạn chế bởi châu lục này cũng đang đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng ghê gớm. Lục địa này đang bị chia rẽ sâu sắc từ bên trong, trong khi lãnh đạo châu Âu cũng nhận thức rõ ràng rằng làn sóng dân túy đã giúp ông Trump chiến thắng đang ảnh hưởng tới cựu lục địa như thế nào.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran đã đạt được năm 2015 sẽ trở thành đề tài căng thẳng dưới thời Tổng thống Trump. Ông từng nhiều lần tuyên bố muốn “bãi bỏ nó”, điều khiến ông bị chỉ trích bởi các đồng minh châu Âu, những người cũng tham gia đàm phán thỏa thuận này. Có lúc, ông Trump cho rằng nên tái đàm phán lại thỏa thuận, điều mà Iran đã đánh tín hiệu rằng không bao giờ họ tham gia.
Chính quyền của ông Trump dường như có quan điểm đối đầu với Iran còn mạnh mẽ hơn chính quyền ông Obama, những người ưu tiên duy trì thỏa thuận hạt nhân. Bản thân ông Trump cũng được kêu gọi đưa ra những động thái không nhân nhượng nếu như Iran vi phạm thỏa thuận này.
Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran liên quan tới các vấn đề phi hạt nhân như nhân quyền, thử nghiệm tên lửa hay hậu thuẫn khủng bố. Và trong trường hợp đó, Iran sẽ đổ lỗi cho phía Mỹ đã hủy hoại thỏa thuận hạt nhân.
Bất kỳ một sai lầm nào liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng có thể gây ảnh hưởng sâu sắc tới các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến chống IS ở Syria, nơi mà Nga và Iran ủng hộ lực lượng chính phủ và thúc đẩy các vòng đàm phán hòa bình với phe nổi dậy.