Tết đến rồi!
Tết đoàn viên, Tết của sự sum họp. Đó là truyền thống của dân tộc mà nói như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ thì “nhân dân đã sáng tạo nên di sản bằng miên trường lịch sử”. Nhưng rồi theo thời gian, có cảm giác Tết Nguyên đán đang có nét phôi phai. Đó là cảm nhận riêng của mỗi người, còn giờ đây Tết đã gõ cửa từng nhà, bất kể giàu nghèo.
Ông Nguyễn Hùng Vĩ.
Cứ tới gần Tết dư luận lại dấy lên chuyện có nên gộp Tết Tây và Tết Nguyên đán làm một hay không? Rồi là chuyện lì xì, chuyện thăm nom, gần đây lại cả chuyện “phượt” Tết. Vậy, “màu” Tết theo thời gian đậm đà hơn hay nhạt đi? Xung quanh vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ.
PV:Thưa ông, nhớ lại tuổi thơ, kỉ niệm theo ông tới tận bây giờ về Tết là gì?
Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi sinh sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 nên tuổi thơ của tôi năm hoàn toàn trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Không thể quên những tháng ngày đó. Trước hết là cả làng lo Tết. Cái gì cũng phải “chạy”: Chạy gói mứt, chạy chai rượu cam, chạy gói chè ba hào...và chạy ăn. Dịp giáp hạt mà! Nhà đông con như gia đình tôi thì bố tôi lo chạy nợ.
Là cán bộ nhà nước nhưng tám giờ tối đêm ba mươi ông mới dám về nhà vì trốn nợ vài nhà còn lại. Người lớn lo “trõm” mắt, trẻ con không có quyền kì vọng một manh áo mới. Nạo sắn ra độn với nắm nếp để gói bánh gọi là bánh chưng. Cũng tí hành, tí đậu, tí tóp mỡ...mà ngon đáo để.
Đêm ba mươi, pháo chuột quả nổ quả không, chỉ súng diêm là kêu, mỗi đứa một hai khẩu. Sáng mùng một, sau khi đi chào cờ tập thể, chúng tôi theo cán bộ xóm, cán bộ thôn đi thăm các gia đình liệt sĩ và gia đình bộ đội. Gia đình nào liệt sĩ mới thì ưu tiên thăm hỏi trước.
Đến gia đình quân nhân, ông bí thư kể tin chiến thắng, còn các bà mẹ nuốt nước mắt vào trong, hỏi dịp Tết này được đình chiến mấy ngày. Không bao giờ. Không bao giờ cả, chúng tôi lại muốn đổi cái Tết ngày hôm nay để trở lại những cái Tết hồi ấu thơ buồn bã và khổ đau đó... Nhưng khổ đau cũng là một tài sản tinh thần. Có thế thì mới biết cái giá phải trả để có ngày hôm nay lớn lao biết dường nào, và thấy quí hạnh phúc hơn.
Gần đây có người cho rằng mỗi năm có tới 2 cái Tết: Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là quá nhiều. Nên chăng theo một số nước chỉ nên đặt trọng tâm vào Tết Dương lịch. Ý kiến của ông?
Nhân dân đã sáng tạo nên di sản bằng miên trường lịch sử thì muốn bỏ đi, nhân dân hiện nay cũng nên đồng thuận xin một lời với tổ tiên. Còn với một cá nhân, anh là dân thường hay là nhà nghiên cứu, cũng không có quyền quyết định. Còn về phía cá nhân, người không thích Tết thì tự bỏ, không ai cấm, nhưng anh ta cũng cần tôn trọng người vẫn ăn Tết. Đó là quyền tự do cá nhân. Luật không cấm.
Tết đoàn viên. Ảnh Lam Thanh.
Với người miền Bắc, Tết đến có tục mừng tuổi; người miền Nam gọi là lì xì. Nói chung là tặng tiền. Theo ông có khác gì nhau không?
Lì xì tiếng miền Nam là “lợi thị” trong âm Hán Việt: tiền lãi do buôn bán mà có hoặc kì vọng vào việc sinh lợi, buôn may bán đắt. Cả hai nghĩa đều ổn. Trước 1975, miền Bắc không dùng từ này. Mà thay vào đó, người ta dùng “mừng tuổi”, “mở hàng”. Từ mở hàng cùng trường nghĩa với lì xì. Có khai bút, khai canh, khai ấn thì cũng có khai hàng, khai thị.
Đó vốn là một hành vi giàu tính biểu trưng, mang ý nghĩa tốt thể hiện kính già, thương trẻ và cái tâm từ thiện. Văn hóa từ thiện ở ta một thời bao cấp ít được nhắc đến (thay cho nó, là các khái niệm nhiệm vụ, trách nhiệm, hi sinh, cống hiến...).
Gần đây, văn hóa từ thiện được hồi sinh mạnh mẽ nhưng nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ. Bởi vậy, cái tốt của hành vi mừng tuổi được xoi mói ở tính vụ lợi của nó, suy bụng ta ra bụng người. Từ thiện ở Việt Nam hiện nay vẫn ở đẳng cấp giá trị thấp so với nhiều quốc gia. Một món quà nhỏ, với một lời chúc và một sự cầu mong thì có lỗi gì.
Còn những người tận dụng nó để vụ lợi hoặc tham nhũng thì chiếm bao nhiêu phần trăm dân số vậy. Về quê, nhà này chúc nhà nọ thì là sự hòa đồng, cầu cạnh gì ngoài quan hệ cộng đồng. Đó là tuyệt đại đa số nhân dân. Và có bắt buộc như pháp luật đâu nhỉ mà đặt vấn đề bỏ đi.
Trước, Tết đến mọi nhà đều treo tranh dân gian. Bây giờ có vẻ tập tục đó không còn. Vậy, nên vui hay buồn?
Tranh treo dịp Tết vừa thuộc về hội họa vừa thuộc về tín ngưỡng. Trong chiến tranh, đại bộ phận dân mua tranh in gà, cá chép, bầu bí của nhà xuất bản. Còn nhiều người tự vẽ lấy, cắt dán trang trí đỡ tốn kém. Các kho ván in ở Đông Hồ, Hàng Trống thất tán dần.
Sau 1975, một số họa sĩ, nghệ nhân sưu tầm, khắc lại, in dập khôi phục nét xưa. Nhưng cái gì cũng phát triển cả, có cái cạnh tranh được, có cái không cạnh tranh nổi. Tôi vẫn muốn sưu tầm trong nhà một cái “cối xay tre nặng nề quay” nhưng khó quá. Những làng làm nồi đất cũng hiếm dần. Sự tự vận động của các yếu tố văn hóa là rất quan trọng.
Thị hiếu thì thay đổi thường xuyên. Ưu thế hội họa của tranh dân gian là rất đơn sắc, dù đủ điệp đủ màu. Ta quí là quí cái tín ngưỡng và tính thủ công của nó. Cũng có những khách nước ngoài quí cũng vì “sự lạ” của người từ văn hóa này nhìn văn hóa khác. Có lẽ cần một sự sáng tạo đột xuất trên truyền thống đó để nó lại hấp dẫn. Cái này tôi chưa nhận ra sau nhiều năm đi lại quan tâm.
Gần đây với người thành thị, người trẻ ở những thành phố lớn, hay đi “phượt” dịp Tết; hoặc là ra nước ngoài ăn Tết với những người có tiền. Phải chăng Tết truyền thống của ta đã không còn sự hấp dẫn?
Tết là hướng nguồn, là đoàn viên, là về với quê hương bản quán, gốc gác cha ông. Nhưng từ trong truyền thống, tổ tiên đã không nhất nhất như vậy. Đời Lý, mở mang bờ cõi vào Nghệ Tĩnh Quảng Bình, những người mở đất đâu nhiều điều kiện về thăm quê được.
Nguyễn Hữu Cảnh cuối thế kỉ XVII vượt muôn trùng sóng gió vào Đồng Nai mở cõi, làm sao khư khư Tết là cứ phải về quê ăn Tết bằng được. Tấm lòng là đau đáu hướng về thôi: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
Vậy một số người đi ăn Tết nơi khác làm gì mà thành chuyện hấp dẫn hay không hấp dẫn của cái Tết. Ta há lại thua kém sự cởi mở của ông bà tổ tiên à? Họ thiết thân, họ thực tiễn hơn những ý nghĩ hạn hẹp của chúng ta. Tùy điều kiện, tùy hoàn cảnh mà ứng xử.
Theo ông, Tết truyền thống đậm lên hay nhạt đi theo thời gian?
Truyền thống cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Cái ta làm và sống hôm nay, nếu có giá trị, sẽ trở thành truyền thống cho mai sau, cũng như chúng ta đang gọi là truyền thống cái trước 1945 chẳng hạn, khi đó nó cũng đang đầy biến động, cũng vô cùng phức tạp. Con người sống nhạt thì thấy Tết nhạt còn con người sống đậm thì thấy Tết rất đậm đà.
Còn bây giờ Tết đã đến rồi. Tết đã gõ cửa mọi nhà, bất kể giàu nghèo. Vì vậy, hãy cứ mở lòng ra đón Tết.
Trân trọng cảm ơn ông!