Bộ trưởng Công Thương: Ngành QLTT phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2017 của Lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc diễn ra vào chiều 20/1tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm 2017 ngành quản lý thị trường phải tạo ra phong trào chống hàng giả, hàng lậu. Bởi, tình trạng buôn lậu, hàng giả ngày càng tinh vi hơn, nhất là buôn lậu đường, thuốc lá, phân bón, hóa chất. Một số nơi, tình trạng buôn lậu diễn ra công khai, nghênh ngang.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để cho thấy bức tranh đầy đủ và toàn diện về công tác quản lý thị trường trong 2016, giúp các đơn vị có nhận thức đầy đủ toàn diện về những yêu cầu đặt ra trong 2017 cũng như những năm tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nói đến những tồn tại bất cập cả những khiếm khuyết chắc chắn không dễ nghe nhưng chúng ta phải nói, bởi với chúng ta, một ngành, một lực lượng phải tiếp xúc hàng ngày, trực diện trên tất cả khía cạnh của đời sống xã hội, của nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát, chấp hành các chính sách trong hàng loạt lĩnh vực không chỉ trong quản lý thị tường, mà còn sản xuất, kinh tế ngành mà còn các lĩnh vực liên quan khác, rõ ràng lực lượng đó phải chịu sự soi xét, kiểm tra, đánh giá của hơn 90 triệu dân, hệ thống chính trị, tổ chức kinh tế, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng cũng lưu ý, trong năm 2017, "chất lượng" trong công tác quản lý thị trường phải được đặt lên hàng đầu. Chất lượng ở đây nói về chất lượng đội ngũ nhân sự của lực lượng quản lý thị trường trong đó bao gồm hiểu biết về thông tin chính sách pháp luật, năng lực trong các lĩnh vực chuyên môn cũng như phẩm chất chính trị. "Chúng ta sẽ phải nói đến năng lực về trang thiết bị cũng như hệ thống phục vụ cho các chức năng, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường. Chúng ta phải nói đến sự chủ động làm đầu mối công tác phối họp với các lực lượng chức năng khác cả ở trung ương và địa phương. Chúng ta phải nói đến năng lực của đội ngũ nhân lực trong nghiên cứu các chủ trương chính sách, khung khổ trong cam kết hội nhập quốc tế, hợp tác với bên ngoài. Chúng ta phải nói đến năng lực của chúng ta trong sự phối hợp với các lực lượng chuyên môn của Ban 389 để thực hiện các nhiệm vụ được giao của Chính phủ, Ban 389 Trung ương, của lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như các Bộ ngành" Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, nếu không có chuyển biến trong công tác tổ chức, tăng cường vai trò của lực lượng quản lý thị trường đấu tranh chống các hoạt động vi phạm pháp luật một cách căn cơ triệt để, thẳng thắn thì chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với xã hội với nhân dân.
Trong năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm, tăng 1.061 vụ so với năm 2015; tổng số thu nộp ngân sách 548,9 tỷ đồng, tăng 89,1 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2015. Một số lĩnh vực, mặt hàng đã được tích cực kiểm tra, kiểm soát như: Phân bón và Thuốc lá.
Lực lượng Quản lý thị trường thu giữ phân bón giả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.
Công tác quản lý địa bàn, dự báo tình hình có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, nhạy bén, công tác dự báo chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa xử lý kịp thời một số vấn đề nổi cộm như vi phạm về an toàn thực phẩm.
Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức Quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu; còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Quang cảnh Hội nghị.
Để tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tập trung vào 6 định hướng trọng tâm, cụ thể:
1. Tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách.
3. Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường
4. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
5. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường
6. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.