Khởi nghiệp từ 'tâm'
“Chúng ta mới bắt đầu trên con đường dài của câu chuyện khởi nghiệp. Khởi đầu bằng chữ “tâm” và thành công cũng từ chữ “tâm”. Chữ “tâm” của người khởi nghiệp; của các cấp chính quyền và “tâm” của toàn xã hội…”- Đó là chia sẻ nhân dịp bước vào năm Đinh Dậu 2017 của Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan với Phóng viên Đại Đoàn Kết xung quanh câu chuyện khởi nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan.
PV: Thủ tướng Chính phủ xác định năm 2016 là năm khởi nghiệp. Đồng Tháp có những bước triển khai như thế nào để thực nhiệm vụ này thưa ông?
Ông Lê Minh Hoan: Tôi còn nhớ thời điểm đầu năm 2015, khi chuẩn bị thông qua Đề án “Nâng cao hình ảnh địa phương” (Đề án), lúc đó Đồng Tháp đón tin vui, đứng vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 (PCI), nhiều năm giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu.
Tôi xem đó là “trái ngọt” thu được từ sự kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là kết quả của sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, từ ứng xử theo kiểu “xin-cho” thành “đồng hành cùng doanh nghiệp”; từ tư duy “quản lý, điều hành doanh nghiệp” đến “kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp”.
Một trong những điểm nổi bật của Đề án là định vị “Đồng Tháp như một địa phương biến ước mơ khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch trở thành sự thật”.
Với cương vị là người đứng đầu tỉnh, tôi có nhiều cơ hội tiếp cận được với các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp từ các cộng sự, các bạn trẻ, cả của nông dân, doanh nhân, trí thức…
Tôi thấy ở đó là những tấm lòng, là sự khát vọng phấn đấu vươn lên vì sự nghiệp và cống hiến cho quê hương. Vì vậy năm 2015, Đồng Tháp đã chính thức phát động phong trào khởi sự lập nghiệp. Trong năm khởi nghiệp 2016, hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Tháp đã có nhiều tín hiệu rất phấn khởi.
Để làm được điều này, các cấp chính quyền, lãnh đạo địa phương phải là người đầu tiên thay đổi và nâng cao được nhận thức, thẩm thấu được tinh thần khởi nghiệp.
Đặc biệt, lãnh đạo địa phương, ngành phải hiểu được bản chất, mục đích, ý nghĩa của khởi nghiệp để dẫn dắt xã hội khởi nghiệp. Nói cách khác, không chỉ “Doanh nghiệp Đồng Tháp khởi nghiệp” mà là “Đồng Tháp khởi nghiệp”. Lãnh đạo tỉnh phải luôn thôi thúc tinh thần khởi nghiệp; phải là người khởi xướng, lắng nghe, đồng hành, chia sẻ với những ý tưởng khởi nghiệp của xã hội.
Từ đó, Đồng Tháp đã tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động khởi nghiệp như: Tọa đàm Thanh niên Đồng Tháp khởi sự lập nghiệp, Chương trình giao lưu thanh niên, học sinh về khởi sự lập nghiệp. Một số mô hình khởi nghiệp trong thanh niên được hình thành như Hội quán Khởi nghiệp, CLB Sáng tạo khởi nghiệp, CLB Thanh niên với đặc sản Đồng Tháp, ra mắt Ban vận động thành lập CLB nữ doanh nhân...
Để triển khai các hoạt động khởi nghiệp, thưa ông, vai trò người đứng đầu phải ra sao để huy động nguồn lực của doanh nghiệp, doanh nhân?
- Chính phủ đã và đang truyền đi những thông điệp mạnh mẽ, xác định vai trò, vị trí và sứ mệnh của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển của đất nước. “Khởi nghiệp” đang trở thành vấn đề ở cấp quốc gia. Tôi đã từng chia sẻ về suy nghĩ “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”, Nhà nước kiến tạo để xã hội phát triển.
Theo tôi, muốn xây dựng địa phương khởi nghiệp, trước tiên cần bắt đầu từ ý thức của Nhà nước, vai trò của chính quyền. Tỉnh cần kết nối vấn đề khởi nghiệp từ chính doanh nghiệp, tạo ra môi trường để phát huy nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.
Phải xác định sức sống của doanh nghiệp là hơi thở của nền kinh tế. Từ quan điểm này, Đồng Tháp luôn xem doanh nghiệp là nhà tư vấn trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Niềm tin có thể biến thành động lực, động lực có thể biến thành nguồn lực cho mỗi chúng ta.
Có 5 yếu tố cần thiết để Đồng Tháp khởi nghiệp: Sự hỗ trợ; Tư vấn của chuyên gia; Tài chính; Môi trường làm việc, đào tạo và Kết nối thị trường.
Dự kiến vào đầu năm 2017, Đồng Tháp đưa vào vận hành Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp là mô hình văn phòng làm việc cho các dự án khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các hình thức hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp khởi sự khác để cùng hỗ trợ, giúp đỡ trong bước đầu khởi sự kinh doanh.
Sen Đồng Tháp.
Ông tâm đắc với những mô hình khởi nghiệp nào của tỉnh thời gian qua. Những mô hình khởi nghiệp đó đã mang lại những hiệu quả như thế nào?
- Các mô hình khởi nghiệp mang sức sáng tạo, lòng khát khao vươn lên của con người Đồng Tháp. Nó xuất phát không phải từ trong các cơ sở nghiên cứu khoa học, trong các đề án, kế hoạch của cơ quan Nhà nước, mà là từ đòi hỏi của cuộc sống, phục vụ lại chính yêu cầu cấp thiết nhất của cuộc sống. Nó xuất phát từ lòng đam mê, là sự thử thách, rèn giũa tính kiên gan của người khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Gần hai năm, chặng đường khởi nghiệp ở Đồng Tháp được thể hiện với nhiều câu chuyện của những con người bằng ý chí, bằng khát vọng làm giàu cho mình, cho quê hương như: Công ty cổ phần Ramsa với sản phẩm sữa hạt sen Ramsa Zen với dây chuyền chế biến từ hạt sen tươi mang đến cho người tiêu dùng cảm giác an lành từ cây sen - một sản phẩm độc đáo từ ý tưởng mang hoa sen đi khắp bốn bể năm châu của thạc sỹ 8x.
Trà lá sen, hạt sen sấy Đồng Tháp cũng đã sang Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore,... Có thể xem đó đích thực là những lợi ích xã hội mà các doanh nghiệp mang lại từ những ý tưởng khởi nghiệp ban đầu.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất Bén Linh với mặt hàng chính là kềm cắt móng tay với một hệ thống phân phối khắp các tỉnh, thành phố trong nước và đang tìm đến thị trường các nước Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên K&Y chuyên sản xuất nón bảo hiểm và làm luôn văn phòng để hỗ trợ khởi nghiệp.
Là xứ sở của nông nghiệp nên những ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp cũng rất đa dạng và phong phú như: nhân giống lúa sạch của anh Nguyễn Anh Dũng đã cho ra đời nhiều giống lúa có giá trị cao; sản phẩm Gạo sạch Tâm Việt không dùng bất kỳ loại phân bón hóa học hay các loại thuốc bảo vệ thực vật của Võ Văn Tiếng ở tuổi 9x; bạn Nguyễn Ngọc Như với các sản phẩm sáng tạo từ chiếc khăn choàng, làm sinh động và mở ra hướng đi mới cho làng nghề; giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra chế phẩm mới từ phụ phẩm của cây lúa và con cá do anh Phạm Minh Thiện, Công ty Cỏ May;….
Trong chuyện khởi nghiệp, ông thường nhắc đến cái “tâm”. Vậy, theo ông “tâm” phải như thế nào?
- Trước hết là “tâm” của người khởi nghiệp là cái tâm nghĩ đến cái lợi cho quê hương, cho cộng đồng. Cái tâm ở đây chính là sự cam kết bằng trách nhiệm, bằng niềm tự hào đối với sản phẩm mình dày công làm ra.
Cái tâm ở đây còn là sự tâm huyết, sự dấn thân trên con đường khởi nghiệp vốn không bao giờ bằng phẳng, không trải toàn hoa hồng và sự thành công luôn ít hơn rất nhiều so với sự thất bại như nhiều chuyên gia đã tổng kết và cảnh báo.
Cái “tâm” của chính quyền, đó là sự ủng hộ bằng cái “tâm” của người lãnh đạo, đồng hành, truyền cảm hứng cho những ý tưởng khởi nghiệp, thường xuyên sâu sát với cơ sở, lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân; xây dựng hình ảnh thân thiện của bộ máy công quyền với đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ ngày càng tốt hơn.
“Tâm” của chính quyền phải được chuyển hóa thành hành động để tạo niềm tin cho người khởi nghiệp trên con đường dài khởi nghiệp. Mọi hàng rào phải được dẹp bỏ, mọi cánh cửa của cơ quan công quyền phải luôn rộng mở đối với những người khởi nghiệp. Đó là chính là “chính quyền khởi nghiệp”!.
Cuối cùng là cái “tâm” của xã hội, của người tiêu dùng. Sản phẩm khởi nghiệp có thể chưa bằng hàng ngoại, chất lượng có thể chưa hoàn hảo nhưng là người Việt, chúng ta phải tự hào về hàng Việt, sử dụng hàng Việt. Người tiêu dùng hãy tham gia góp ý, vun đắp để cho những sản phẩm Việt hoàn hảo hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!