Vươn ra biển lớn
Tính đến thời điểm này, 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Hội nhập đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ không chỉ chơi ở “sân nhà” với luật chơi riêng của mình, mà phải tham gia trên “sân chơi” quốc tế.
Hành trang cho cộng đồng DN Việt trong năm 2017 và những năm tiếp sau của thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng cần những gì? Câu hỏi này đã được các DN, chuyên gia, diễn giả kinh tế, nhà tư vấn cao cấp chia sẻ với ĐĐK trước thời khắc bước vào năm mới Đinh Dậu 2017.
Ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV):
5 yếu tố để hội nhập
Chúng ta thấy, cộng đồng DN Việt cũng đã hội nhập khá sâu rộng trong thời gian vừa qua. Con số 170 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu/ năm hay việc Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chính là những bằng chứng xác thực điều đó. Tuy nhiên để có thể hội nhập tốt hơn, “chớp” được mọi cơ hội thì trong “hành trang” của mình, DN Việt cũng cần phải chuẩn bị khá nhiều. Cái đầu tiên chính là năng lực về quản trị điều hành.
Tôi nghĩ, chúng ta cần phải chuyên nghiệp hơn, theo thông lệ quốc tế hơn. Tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi thường được nghe họ phản hồi rằng, DN của chúng ta đang làm việc thiếu chiến lược. Các bạn biết đấy, kinh doanh mà thiếu chiến lược thì khó mà thành công.
Vì vậy, khi tham gia vào thương trường, DN nhất định phải có chiến lược kinh doanh của riêng mình để tránh rơi vào tình thế bị động, mất phương hướng.
Yếu tố thứ hai cần phải luôn sẵn sàng đó là năng lực tài chính. Thừa nhận là thị trường vốn của Việt Nam chưa hoàn toàn phát triển như mong muốn, song bản thân các DN phải sáng tạo hơn trong việc tìm ra giải pháp thu hút nguồn vốn tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, và quan trọng hơn là phải biết quản lý nguồn vốn đó như thế nào.
Thứ ba là nguồn nhân lực. Tất cả các lĩnh vực thành công hay thất bại đều do nguồn nhân lực. Trong đó đội ngũ quản trị điều hành cũng như đội ngũ quản lý cấp trung đều rất quan trọng.
Cái cần phải chuẩn bị thứ tư, tôi cho là khi chúng ta hội nhập, chắc chắn sẽ xảy ra những kiện tụng, không tránh khỏi “câu chuyện pháp đình”. Do đó về mặt pháp lý, DN cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để phòng các sự cố có thể xảy ra.
Yếu tố cuối cùng, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh, đó là các DN Việt Nam phải làm sao để có thể tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện nay, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của chúng ta quá thấp, chỉ khoảng 15-20%.
Một khi đã hội nhập, sân chơi quốc tế không cho phép DN chỉ biết và chỉ hiểu “luật chơi” loanh quanh “sân nhà”. Và muốn như vậy, DN Việt không còn cách nào khác ngoài việc phải rất nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đảm bảo uy tín, chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của các DN FDI khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Làm sao để DN hết “sợ lớn”?
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, song thực tế, các DN vẫn đang gặp phải khá nhiều rào cản. Thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước dường như đã trở thành một gánh nặng “khó gỡ bỏ” đối với nhiều DN dân doanh Việt Nam.
Theo số liệu chúng tôi khảo sát được, thông thường các DN nhỏ và vừa phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra mỗi năm. Có một thực tế, DN càng lớn, số lần kiểm tra càng nhiều.
Bên cạnh đó, gánh nặng về thời gian trong các cuộc thanh kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của DN. Với các DN siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các DN nhỏ và DN quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ.
Còn với các DN quy mô lớn, số giờ của mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế lên tới con số 40. Đó là lý do vì sao nhiều DN của chúng ta “sợ lớn”.
Đó còn chưa nói đến thực trạng các DN phải mất vào “chi phí ngoài luồng” một số tiền không nhỏ, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh. Số liệu khảo sát của chúng tôi cho biết, 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ quan sát thấy hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên. Với các DN quy mô vừa và lớn, con số này lần lượt là 70% và 69%.
Những con số, dữ liệu nói trên đã phác họa khá rõ nét “bức tranh” về tình hình hoạt động của các DN nhỏ và vừa Việt Nam những năm qua, và nó phần nào lý giải tại sao cộng đồng DN Việt thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ. Và chắc chắn, nếu vẫn còn những rào cản này, các DN của chúng ta khó có thể nâng được sức cạnh tranh.
Bởi vậy, tôi cho rằng, để có thể thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng DN Việt Nam trong thời gian tới, thì ngay trong năm 2017 này, những chính sách và pháp luật có liên quan tới DN nhỏ và vừa cần phải hướng đến việc tháo gỡ những khó khăn mà các DN của chúng ta đang thường xuyên phải đối mặt hiện nay, đồng thời cũng cần xóa bỏ những rào cản khiến các DN “không dám lớn”.
Cụ thể ở đây, các chính sách hỗ trợ cần giúp các DN tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực và cơ hội như tiếp cận thông tin, tiếp cận vốn và tiếp cận đất đai.
Cần nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN, trong đó cần xác định đối tượng thụ hưởng chính là các DN nhỏ và vừa. Các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chuyển giao công tác này cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân thực hiện.
Một yếu tố đã trở thành rào cản lâu nay đó chính là thực trạng quá nhiều các thủ tục hành chính rườm rà, và trong năm 2016 vừa qua, hàng loạt các thủ tục hành chính đã được rà soát gỡ bỏ, hoặc đơn giản hóa để giúp DN nhẹ gánh hơn, và tôi cho rằng, trong năm 2017 này, chúng ta cần phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận với DN, nhất là với các DN nhỏ và vừa.
Đồng thời, các DN cũng rất mỏi, thay vì phải mất hàng chục giờ tiếp các đoàn kiểm tra, họ sẽ có thời gian để tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, do đó, gánh nặng thanh kiểm tra cũng cần phải được giảm nhẹ.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Giám đốc Công ty Dệt may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên:
Hãy thôi tự ti; dám nghĩ, dám làm
Năm 2016 là năm Chính phủ mới đưa ra rất nhiều thông điệp nhằm tập trung vào phát triển khu vực kinh tế này. Tôi cho rằng, đó là một hướng đi rất hợp lý.
Vì với lực lượng trên 600 ngàn DN hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân chính là “xương sống”, là động lực của nền kinh tế. Đồng ý là, hiện nay vẫn còn khá nhiều rào cản và từ phía nhà quản lý, cần có những giải pháp để xóa bỏ dần những rào cản đó. Song, theo tôi, bản thân mỗi DN cũng cần phải nỗ lực vươn lên, không quá trông chờ vào chính sách.
Bản thân mỗi DN cần phải xác định, bất cứ “chiến trường” nào cũng có thể tham gia được, chúng ta đừng bao giờ có suy nghĩ tự ti rằng, mình nhỏ mình không làm được. Nhỏ thì phải tìm thị trường ngách để phát triển.
Không thể vì nhỏ mà buông xuôi. Tôi biết, nhiều DN hiện nay đã đi lên từ những thị trường ngách, và bằng sức sáng tạo nỗ lực của mình đã dần lớn lên, nâng sức cạnh tranh.
Riêng đối với Công ty Dệt may Hưng Yên, chúng tôi cũng đã có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể trong năm 2017 này. Thứ nhất là sẽ tập trung đầu tư theo chiều sâu, cụ thể ở đây là sẽ đào tạo lại lao động.
Như chúng ta đã biết, bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, nhân lực là yếu tố quyết định thành công, trong hội nhập yếu tố này càng quan trọng hơn, bởi vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao trình độ nguồn nhân lực, cả nhân lực quản lý cũng như nhân lực sản xuất.
Thứ hai là tăng cường về thiết bị. Hiện nay so với khu vực thiết bị ngành dệt may cũng đã khá hiện đại rồi nhưng chúng ta không nên hài lòng về điều đó mà phải tiếp tục phấn đấu đầu tư, vượt lên đứng trong “top” đầu mới có thể cạnh tranh được.
Tôi có biết một DN nước ngoài đã “chịu chơi” bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư vào chuyên một mặt hàng và nhờ đó, năng suất của họ đã tăng lên gấp 5 lần các DN khác.
Cụ thể ở đây, họ đã đầu tư 400 triệu đồng suất đầu tư ban đầu cho một lao động may trong khi DN Việt Nam mới chỉ “dám” đầu tư 40 triệu đồng là cao nhất.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể cạnh tranh nổi? Bởi vậy, tôi cho rằng, hội nhập yêu cầu DN chúng ta phải đột phá, dám nghĩ, dám làm, đầu tư nâng cao thiết bị công nghệ, như vậy mới có thể phát triển theo hướng bền vững, nâng cao nội lực của mỗi DN.