Những nốt son trong công tác Mặt trận Kiên Giang
Năm 2016- một năm với thật nhiều hoạt động sôi động nào là chuẩn bị các quy trình của công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; giúp dân chống đợt hạn, mặn lịch sử gay gắt nhất trong gần một thế kỷ qua; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” lồng ghép với công tác chăm lo an sinh xã hội; tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội…
Những nốt son trong công tác Mặt trận Kiên Giang.
Một năm nhìn lại, bà Lê Thị Vệ- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kiên Giang tổng kết: Năm 2016, trong các mặt công tác mà UBMTTQ các cấp tỉnh Kiên Giang thực hiện, có 5 vấn đề nổi bật, đó là: Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức thành viên thành lập tổ tuyên truyền để chuyển tải các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính quyền các cấp đến các hộ dân ở khu dân cư qua đó cũng nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân với Đảng, chăm lo, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội; Công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Công tác mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân; công tác chăm lo an sinh xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư.
Trong những nốt son nổi bật nêu trên, điểm sáng được đánh giá cao là công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức được 6 cuộc giám sát theo kế hoạch.
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền đối với hộ nông dân sản xuất lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán.
Mặt trận còn cử cán bộ tham gia cùng với đoàn giám sát của Thường trực, các ban HĐND, Sở Tư pháp giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện luật, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban MTTQ các huyện, thị, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, đã tổ chức giám sát 90 cuộc về việc triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng về việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, người hoạt động không chuyên trách thuộc tổ chức MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội; việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, Bảo hiểm Y tế, Bộ Luật Lao động...
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 135 cuộc; kiến nghị xử lý 22 vụ việc, được cơ quan thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư giải quyết 20 vụ việc, đang xem xét giải quyết 2 vụ.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trực tiếp kiểm tra, giám sát việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc thực hiện kiến nghị, tuân theo pháp luật trong công tác quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; việc tuân theo pháp luật trong công tác quản lý và xử lý vi phạm kỷ luật đối với người bị tạm giam, tạm giữ tại các huyện, thị.
UBMTTQ tỉnh cũng đã tham gia cùng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổ chức cho những người tiêu biểu, các tôn giáo góp ý trực tiếp các dự thảo văn bản của UBND các cấp, tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào dự thảo dự án luật phục vụ cho Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII; tham dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo kế hoạch của UBND, các sở, ngành tỉnh nhằm phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nhận định về kết qủa công tác giám sát, phản biện xã hội, bà Lê Thị Vệ cho rằng: Tuy là công việc mới mẻ nhưng MTTQ các cấp luôn bám vào nghị quyết của Tỉnh ủy, thực hiện những vấn đề trọng tâm của nghị quyết để cùng với các tổ chức chính trị - xã hội đề ra các chương trình giám sát thích hợp.
Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, MTTQ kịp thời tổng kết, có ý kiến kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm chấn chỉnh, uốn nắn, biểu dương và phát huy những mô hình hay, kinh nghiệm tốt để nhân rộng đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế, thiếu sót và đề xuất, xử lý những vi phạm của các đơn vị được giám sát.
UBMTTQ các cấp còn đề xuất, kiến nghị các cấp bộ, ngành Trung ương bổ sung, sửa đổi những bất cập trong cơ chế chính sách và những quy định pháp luật cho phù hợp, khả thi.
Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ và từng bước phát huy vai trò, trách nhiệm, chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.