Nơi cuối trời Tổ quốc

Tuấn Quang - Quốc Khánh 29/01/2017 08:25

Trong 5 năm trở lại đây, bộ mặt vùng nông thôn của tỉnh Cà Mau không ngừng thay da đổi thịt. Từ những vùng bưng biền xa xôi, hẻo lánh đến nội thị thành phố, thị xã, thị trấn, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư với hàng lọat công trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã góp phần cải thiện và nâng cao mức sống người dân và vực dậy nền kinh tế.

Ông Lê Dũng, Chủ tịch MTTQ tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Dũng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau là tỉnh cuối trời của Tổ quốc, đặc thù có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254 km, sông rạch chằng chịt hơn 8.000 km, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và nhiều mặt của cuộc sống đến bây giờ vẫn thuộc vùng trũng.

10 năm về trước, cán bộ tỉnh muốn đi công tác đến cơ sở, mỗi ngày cùng lắm là về đến huyện và đi được 1-2 xã, đã hết ngày bởi hệ thống hạ tầng giao thông chưa thông suốt.

Toàn tỉnh, lúc đó có đến 3 huyện gồm Phú Tân, Ngọc Hiển, Đầm Dơi không có đường ô tô đến trung tâm huyện và nhiều xã cũng chưa có đường cho xe gắn máy đi từ trung tâm xã đến các ấp.

Từ tình hình đó, công tác Mặt trận gặp không ít khó khăn trong việc vận động, tập hợp quần chúng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Nhiều cán bộ Mặt trận cơ sở phải dùng ghe, xuồng cá nhân để đến tận nhà các hộ dân tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Do vậy, để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận các cấp xây dựng mô hình tổ dân vận ấp, khóm do bí thư chi bộ làm tổ trưởng, cùng với Ban công tác Mặt trận khóm, ấp tổ chức họp nhóm, tổ, thông qua đó chuyển tải chủ trương, đường lối đến nhân dân.

Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh chủ trương “lấy chất lượng chứ không chạy theo số lượng”, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau trong sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc ở khu dân cư.

Là tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy khá phức tạp, giao thông bộ thì bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông và là nỗi ám ảnh của nhiều người dân tại vùng sông nước này, năm 2009, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng đề án “nhịp cầu nhân ái”, vận động toàn xã hội đóng góp xây dựng 1.588 cầu nông thôn, bắc qua các kênh rạch, sông ngòi giải quyết yêu cầu đi lại, học hành của bà con trong toàn tỉnh.

Mũi Cà Mau.

Tiếp đó, UBMTTQ các cấp phối hợp cùng các sở ngành, đoàn thể triển khai các phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước giai đoạn 2011-2016” với nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như: ‘Đoàn phương tiện an toàn’, ‘Tuyến sông văn hóa - an toàn’,.... Kết quả, tai nạn giao thông đường thủy trong 5 năm qua giảm cả 3 tiêu chí.

Trong 10 năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững như một cơ hội lớn đến với người dân Cà Mau.

Bà con cùng với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ đó bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn.

Những tuyến đường đất ngày nào, giờ đã được bê tông hóa. Những con hẻm lầy lội, tối tăm nay đã được nâng cấp, lắp đèn chiếu sáng.

Nhân dân ở các khu dân cư tự giác tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị,...

Đến nay, tất cả các huyện, thị, thành đều có đường ô tô về đến trung tâm và 78/82 xã (đạt 95%) có đường ô tô đến trung tâm xã. Nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn tỉnh được kết nối. Đất Mũi - vùng đất xa xôi nhất nơi cực Nam của Tổ quốc, giờ đây, xe ô tô đã đến nơi.

Kinh tế của vùng bưng biền, hẻo lánh được vực dậy. Số hộ gia đình văn hóa không ngừng tăng qua các năm. Hiện toàn tỉnh có 205.765/284.787 hộ, đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 72,25%.

Buổi đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã chỉ đạt 2 - 3 tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh có 17/82 xã đạt chuẩn NTM.

Bình quân, mỗi xã đã đạt 14,2 tiêu chí/xã. UBMTTQVN tỉnh Cà Mau đã xây dựng được 98 mô hình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường,… mang lại hiệu quả cao.

Cà Mau phát huy tiềm năng về nuôi trồng thủy sản gắn với bảo tồn và phát triển diện tích rừng nên đã nuôi trồng 295.000 ha thủy sản trong đó có 265.000 ha thủy sản kết hợp với rừng, trở thành vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản của cả nước.

Đáng chú ý là mô hình “nuôi tôm công nghiệp khép kín trải bạc” giúp giảm đáng kể rủi ro do dịch bệnh, năng suất cao, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.

Ngoài ra, còn có các mô hình ‘hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp’ cũng phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ bà con áp dụng các kĩ thuật mới vào nuôi trồng thủy hải sản và các khoản vốn hỗ trợ sản xuất.

Mô hình ‘Cánh đồng lớn’ nay, đạt diện tích trên 6.000 ha đã phát huy được ưu thế trong việc tăng cường mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp), góp phần tăng cường chuỗi liên kết và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận và giảm đáng kể rủi ro trong sản xuất.

Kinh tế có bước khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, từ 1.700 USD năm 2011 lên 2.300 USD năm 2016. Tuy vậy, tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2016 vẫn còn 9,94%.

Trong những năm qua, UBMTTQ các cấp trong tỉnh vận động qũy “Vì người nghèo” hơn 445 tỉ đồng trong đó năm 2016 đã tiếp nhận trên 58 tỉ đồng.

Từ nguồn quỹ này, UBMTTQ đã xây dựng 9.626 nhà đại đoàn kết, mái ấm biên cương đồng thời hỗ trợ kịp thời các cảnh đời hoạn nạn, thiên tai.

Đặc biệt là đợt hạn – mặn trên địa bàn vào mùa khô năm 2016, UBMTTQ các cấp trong tỉnh kịp thời hỗ trợ hơn 86,2 tỉ đồng để người dân khôi phục sản xuất.

Ông Lê Dũng còn cho biết, những năm gần đây, UBMTTQ các cấp ngoài việc phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên vai trò, vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội được khẳng định ngày càng rỏ nét hơn.

Mặt trận các cấp thực sự là cơ sở chính trị của quần chúng nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế xã hội tại địa phương.

Tuấn Quang - Quốc Khánh