Đón năm mới nơi đất Gia Định
Bến Bình Đông, Kênh Tẻ... ghe thuyền ngược xuôi nặng trĩu cây cảnh, hoa trái, gạo lá. Vẫn còn đâu đây dấu vết Xuân xa xưa, từ năm 1698, khi Minh Vương Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, chính thức xác lập đơn vị hành chính huyện Tân Bình (Sài Gòn - Bến Nghé).
Cảnh bến Bình Đông xưa (ảnh tư liệu).
Từ những di chỉ khảo cổ tìm thấy tại huyện Thủ Đức, Hóc Môn, Cần Giờ, khu vực nhà thờ Đức Bà, Xã Tây (trụ sở Ủy ban Thành phố ngày nay)… đã cho chúng ta thấy một nền văn minh rực rỡ, phong phú nơi mảnh đất này.
Theo sử xưa ghi lại, đến thế kỷ XVI, xuất hiện đợt di dân từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, ban đầu là ở Mô Xoài (Bà Rịa), sau di chuyển xuống vùng đất là TP.HCM ngày nay. Năm 1623, giao thương tại vùng này phát triển, chúa Nguyễn cho lập đồn thu thuế tại đây.
Từ đó, các thị tứ “trên bến, dưới thuyền” dần được hình thành. Từ năm 1623 đến 1693, liên tiếp các cuộc di dân lớn của người Việt xuống phía Nam.
Vào năm 1698, theo lệnh của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, Thông Suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, thiết lập đơn vị hành chính đất Tân Bình (Sài Gòn - Bến Nghé). Khi ấy, đất Tân Bình đã là nơi cư ngụ của hơn 10.000 người, gồm người Việt sống chung với người Hoa lưu lạc với những thương cảng nhộn nhịp, ruộng vườn bát ngát tươi xanh.
Đến năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13), sau khi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng đổi trấn làm tỉnh, đặt lấy tên tỉnh Gia Định (sau đổi tên thành tỉnh Sài Gòn năm 1867).
Hẳn vì lẽ ấy, tập tục đón năm mới nơi đất Gia Định, có sự pha trộn giữa văn hóa của người Bắc, Trung Việt với người Hoa, đồng thời, mang đặc trưng riêng biệt của thiên nhiên khí hậu thổ nhưỡng mà chỉ đất phương Nam mới có.
Mùa Xuân ở miền Nam bắt đầu vào đầu tháng Chạp, khi những bồn hoa kiểng được tấp nập theo kênh Tàu Hủ đưa về bến Bình Đông. Năm 1778, bến Bình Đông đã trở thành thương cảng trung tâm của Chợ Lớn, hình thành khi người Hoa từ Cù Lao Phố di cư vào Gia Định.
Tại Bến Bình Đông, rực rỡ màu vàng, đỏ, trắng, hồng… của hoa giấy được lai ghép, uốn tạo dáng, của hoa đồng tiền, đỗ quyên, cúc vàng, vạn thọ, các loại hoa lan và nhiều nhất là cây quất, cây mai trắng, mai vàng.
Tại đây, chợ hoa kiểng được hình thành. Người trồng, bán hoa để hoa dưới thuyền hoặc trưng, bày trên bờ, dọc kênh Tàu Hủ. Người dân mua hoa kiểng sớm về chưng, như một thú vui nhẹ nhõm, tao nhã, thanh lịch.
Đến ngày 20 tháng Chạp, các ghe thuyền chở trái cây nào dừa, dưa hấu, xoài, mãng cầu, thơm, mận, đu đủ, ổi, măng cụt, chở khoai, mụt măng, lá cóc non, đinh lăng, đọt xoài, húng nước, bông bí, tập tàng, đọt nhãn lồng, cùng các loại rau xanh, củ đặc trưng các vùng miền và lá dong, gạo, đỗ, thịt tấp nập ghé vào bến.
Người dân náo nức bán mua, cũng không quên sắm sửa áo quần mới cho mình và người thân trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ, vừa là món quà năm mới, vừa để diện Tết.
Giáp Tết, cả gia đình đi chạp mộ. Nhà cửa từ 23 tháng Chạp được dọn dẹp để cúng Táo quân. Lễ vật cúng Táo quân được bày tại bàn thờ trong bếp, gần ông đầu rau.
Mâm cúng có hoa tươi, năm loại quả, xôi, gà, chè, nhang, đèn, một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và không thể thiếu bộ “cò bay, ngựa chạy” gồm một con cò, con ngựa cắt từ giấy.
Tết Táo quân ở phương Nam không trút lư hương để thay cọng nhang như ngoài Bắc, bởi khi thắp hương, trước khi đốt nhang, cọng cũ đã tàn được rút ra ngay, chỉ để lại que đang cháy. Cũng không mua cá chép để phóng sinh thả xuống sông hồ kênh rạch, không hóa vàng mũ áo thờ.
Trong nhà, bộ tứ thời (tứ quý) được chọn treo, gồm mai - lan - cúc - trúc, biểu trưng cho may mắn, sự đủ đầy, vững chắc, hạnh phúc suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong năm mới.
Trong ngày trừ tịch (30 Tết), chè được nấu, cây nêu được dựng lên trước cửa nhà. Theo ghi chép của Giáo sĩ, Y sĩ Jean Koffler (sinh ở Prague - Tiệp Khắc năm 1711, tu học theo các giáo sĩ dòng Tên (Jésuite).
Năm 1740, đến Đàng Trong rồi ở lại đây suốt 14 năm, trong đó có 7 năm phục vụ trong phủ Chúa), cây nêu ở trước phủ Chúa và nhà dân thời kỳ này phía trên ngọn buộc chùm lá xanh, hoặc buộc ít vàng, bạc giấy, ít rơm bện và lẵng hoa đựng mấy đồng tiền.
Theo ghi chép của nhà sử học Trịnh Hoài Đức trong cuốn “Gia Định Thành thông chí” vào đầu thế kỷ 19, viết về đất Gia Định từ năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược cho đến thời điểm đó, cây nêu là một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc nhằm tảo trừ những xấu xa trong năm cũ và mang may mắn đến vào năm mới.
Còn theo dân gian truyền miệng, cây nêu phương Nam xưa có một ngọn đèn có thể kéo xuống để châm thêm dầu, dưới ngọn đèn là chùm giấy hay vải ngũ sắc, cuối cùng là một “tấm bùa” bằng tre đan hình mắt cáo… nhằm mang ánh sáng của mặt trời đến với sự thông thái, trí tuệ con người.
Chiều 30 Tết, mâm cỗ cúng rước ông bà, hương linh được soạn, con cháu tụ tập đông đủ cùng nhau ăn bữa Tất niên. Xong bữa, đi tưới cây, hoa kiểng.
Lễ cúng giao thừa được sửa soạn rất chu đáo, có cả cúng đón quan Hành khiển mới, tạ quan Hành khiển cũ ngoài sân, và cúng gia tiên trong nhà.
Mâm lễ mặn cúng có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh tét, chè, kèm theo bắp cải thảo… mâm cỗ chay có đủ năm loại cây trái: mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài, nói lên ý nghĩa: “cầu - sung - vừa (dừa) - đủ - xài”.
Khi bày biện mâm ngũ quả, người dân quan niệm, “quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt năm, nên chọn kỹ năm loại trái cây ngon dâng lên tổ tiên, đất, trời kèm theo cầu chúc: “ngũ cốc phong thu”. Hoa cũng là hoa trang, cúc vạn thọ, hoa sống đời. Ngoài ra là đèn nến, rượu, lư hương, chậu nước sạch.
Tiếng pháo nổ đì đùng, râm ran khắp vùng vào giữa thời điểm giao thoa năm cũ và năm mới. Giờ đầu tiên của năm mới, các thành viên gia đình mặc quần áo mới, quây quần cùng nhau, bên chậu mai, quất vàng, ăn chè, ăn bánh tét, tặng phong bao lì xì mừng thọ người già, chúc hay ăn chóng lớn cho trẻ nhỏ, nói những lời hay ý đẹp. Ở phương Nam, thay vì đi hái lộc như ngoài Bắc, người dân tưới cây và không được bẻ cành, hái trái suốt ba ngày Tết.
Mâm cỗ Tết phương Nam không thể thiếu 5 món đặc trưng: bánh tét có hình ống dài gói ngoài là lá chuối hột, buộc bằng dây lạt hoặc dây tước ra từ thân chuối phơi khô, trong có gạo nếp, nhân thịt, đậu xanh, trứng vịt muối (ăn kèm với dưa giá, dưa góp hay kiệu muối chua); thịt xắt vuông kho với trứng tròn, bánh tráng cuốn, canh khổ qua, và củ kiệu tôm khô. Trò chơi được ưa thích trong dịp Tết là chơi lô tô, bầu cua cá cọp.
Việc cúng lễ trong các ngày Tết rất được người dân Gia Định xưa coi trọng. Nhà nào cũng phải dậy trước canh năm, bày ba đĩa bánh ít, ba đĩa tam sên (tôm khô, thịt luộc, trứng gà), ba đĩa mứt, ba đĩa trái cây lên bàn thờ thắp hương cầu khấn.
Sau khi cúng xong, cả nhà mới được vào bữa. Mồng Bốn, chợ bắt đầu lác đác họp để người dân mua đồ về làm lễ tiễn ông bà, tổ tiên. Gà vào ngày này được bán rất đắt hàng, vì mâm cơm cúng không thể thiếu món gà tiềm.
Đến mồng Bảy, cây nêu được hạ xuống. Mồng Tám, nhà nhà cúng sao (hay vía trời) với cam, quýt, cặp dừa tươi, ba đĩa nhỏ đựng trà khô, lá thuốc, ba đĩa mứt. Người chủ lễ phải tắm rửa, sức nước thơm, mặc quần áo sạch sẽ, bày mâm ngoài trời vào nửa đêm.