Văng vẳng tiếng chuông
Ai đã từng đến Nam Định, nhất là về các huyện ven biển đều biết nơi đây có rất nhiều Thánh đường được xây dựng nguy nga, tráng lệ, được bao bọc bởi những xóm làng trù phú, thảm lúa, đồng muối hay vuông tôm. Đâu đây, văng vẳng tiếng chuông nhà thờ, thong thả, chậm rãi lan tỏa xuống xóm làng, đồng ruộng. Lòng người dâng tràn lên những xúc cảm rất đỗi yên bình, nhất là khi Xuân về.
Xứ đạo bình yên
Các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy-những địa phương có rất đông đồng bào Công giáo- đều là những vùng đất mới, được hình thành qua công cuộc quai đê, lấn biển, gắn liền với tên tuổi, công lao của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Dù có những “khúc quanh” nhưng thực tế cho thấy lịch sử hình thành, phát triển cộng đồng Công giáo nơi đây luôn gắn liền với lịch sử mở đất của cư dân địa phương. Nói tới các xứ đạo ven biển là nói tới nghề làm muối. Đây được xem là nghề cực nhọc, vất vả trong khi thu nhập không cao, “một người làm lo cho cả nghìn người nhưng cả nghìn người không nuôi nổi một người”.
Nhưng cuộc sống thì không thể thiếu hạt muối. Do vậy, từ bao đời nay người dân nơi đây vẫn tần tảo nắng mưa trên đồng để góp vị mặn cho đời.
Mấy năm nay con ngao là món thực phẩm được nhiều người ưa dùng. Các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng... chính là những vùng ngao lớn ở miền Bắc.
Các bãi ngao rộng mênh mông, bạt ngàn ven biển. Đến các xứ đạo ở huyện Giao Thủy, du khách có thể kết hợp tham quan Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Chỉ cần thuê một chiếc thuyền, du khách đã có thể được hòa mình trong hàng trăm héc ta rừng ngập mặn, cả tự nhiên và rừng trồng. Đặc biệt, có cơ hội được tận mắt nhìn thấy loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa- những loài chim được thế giới ghi vào Sách Đỏ...
Trên hành trình du xuân, du khách đừng quên ghé qua Tòa Giám mục Bùi Chu (huyện Xuân Trường). Nơi đây có Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu gần 200 tuổi. Viện do Thánh An thành lập nên được đặt tên theo tên người lập ra.
Nhiều năm qua địa chỉ này đã giang tay đón nhận nhiều cảnh đời bất hạnh là những em bé mồ côi hay bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ khi vừa sinh ra.
Ở đây, các em được các sơ nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo. Đến đây để biết có rất nhiều mảnh đời bất hạnh đang cần sự sẻ chia và để biết có rất nhiều linh mục, tu sỹ, các bà sơ đã và đang âm thầm, lặng lẽ giúp các em vơi đi bất hạnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đầy ắp tình yêu thương...
Trên cánh đồng muối.
Tài hoa người xứ đạo
Không chỉ có đánh cá, làm muối, nuôi trồng thủy sản, nhiều xứ đạo ở Nam Định gắn liền với những nghề truyền thống khá nổi tiếng. Xứ đạo Kiên Lao (Xuân Tiến, Xuân Trường) là một ví dụ.
Nơi đây có Đền Thánh Kiên Lao nổi tiếng với quy mô đồ sộ, kiến trúc tinh xảo cùng vẻ nguy nga, tráng lệ. Đặc biệt, người dân Kiên Lao nổi tiếng về sự tài hoa.
Hàng trăm năm trước, người dân xứ đạo đã có nghề đúc, chế tác đồ đồng; chế tác đồ gỗ mỹ nghệ; sản xuất đồ cơ khí. Hiện tại, các nghề truyền thống trên đều được người Kiên Lao duy trì, phát triển, riêng nghề cơ khí đang phát triển vượt bậc.
Không chỉ làm ra những sản phẩm gia dụng thông thường như dao, kéo, các loại nông cụ như lưỡi cuốc, lưỡi xẻng, người thợ Kiên Lao còn tự thiết kế, sản xuất ra nhiều loại máy móc công cụ đòi hỏi kỹ thuật cao như máy tuốt lúa, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy trộn đảo bê-tông, máy nghiền rác thải.
Người dân xứ đạo Kiên Lao luôn tự hào các sản phẩm máy công cụ do mình làm ra đã và đang góp phần hỗ trợ đắc lực cho đời sống nông nghiệp, nông thôn không chỉ ở Nam Định mà còn cho nhiều địa phương khác trên cả nước.
Công cuộc xây dựng NTM đang được cả nước triển khai, mở ra cho nghề cơ khí ở Kiên Lao nhiều cơ hội, triển vọng phát triển. Hiện tại, ở Kiên Lao có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và lân cận.
Tài hoa, chăm chỉ người Kiên Lao đã và đang xây dựng xứ đạo quê hương mình trở nên giàu có, sầm uất, hầu hết các gia đình trong xứ đạo đều có cuộc sống khá giả.
Trong một lần về thăm xứ đạo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân rất đỗi vui mừng trước sự đổi thay, phát triển của xứ đạo Kiên Lao, nhất là khi được biết bà con giáo dân nơi đây luôn đoàn kết, một lòng “kính Chúa, yêu nước”.
Như lời chia sẻ của ông Đinh Tân Việt- một giáo dân địa phương- có được cuộc sống ấm êm, sung túc, đủ đầỳ này là nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước nên chúng tôi được tự do sản xuất, kinh doanh, vật chất nhờ vậy được đủ đầy. Cũng nhờ chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước, đời sống đức tin của chúng tôi luôn được thỏa nguyện.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những giá trị văn hóa, tinh thần cộng đồng công giáo ở Nam Định đã sản sinh, gìn giữ, lưu truyền trong quá trình mở đất, lập làng.
Có dịp tham gia Ngày hội cách mạng do huyện Hải Hậu tổ chức hằng năm vào dịp Quốc khánh 2-9, nhiều người rất thú vị khi được thưởng thức nghệ thuật đi cà kheo, thổi kèn đồng, đánh trống cà rùng... do các cộng đồng Công giáo miền biển nơi đây trình diễn.
Ai quan tâm hẳn sẽ biết ở Nam Định, từ lâu tiếng kèn đồng đã vượt khỏi khuôn viên các nhà thờ Công giáo, ngân lên trong nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Đồng hành vì sự phát triển
Theo Linh mục Lê Ngọc Hoàn- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định, mỗi một giai đoạn, đồng bào công giáo nơi đây lại có những phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả góp phần cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng, phát triển quê hương. Cách đây mấy năm, cụ thể hóa cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã xây dựng, phát động phong trào “Đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng, đẹp xứ, họ”.
Hưởng ứng phát động, đông đảo giáo dân ở 684 xứ, họ đạo trong tỉnh đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Trong thời chiến, để kịp làm đường, làm cầu cho xe qua nhiều gia đình đã sẵn sàng dỡ nhà, dỡ cửa.
Câu chuyện đẹp đẽ này thời gian qua được nhiều gia đình công giáo ở Nam Định “viết lại” bằng việc sẵn sàng hiến đất thổ cư, thổ canh cho làng, cho xã làm đường giao thông, làm công trình thủy lợi và nhiều công trình công cộng khác.
Gia đình ông Vũ Ngọc Lân ở giáo xứ Kiên Chính (Hải Chính-Hải Hậu) làmột trong nhiều ví dụ. Khi địa phương triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã sẵn sàng hiến đến 200m2 đất thổ cư, không nhận, dù chỉ một đồng tiền đền bù để phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch nông thôn mới của xã.
Không kể những người đã góp với diện tích lớn, theo Linh mục Lê Ngọc Hoàn, thời gian qua hầu hết các gia đình Công giáo trong tỉnh đều đã đóng góp từ 10-20m2/sào đất canh tác, qua đó cùng với nhân dân trong tỉnh góp tổng cộng trên 2.361 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư để phục xây dựng các công trình hạ tầng công cộng phục vụ sản xuất và dân sinh.
“Dù không nhận tiền đền bù nhưng gia đình nào cũng vui vẻ, hào ứng vì nhận thức rõ rằng mình đóng góp không phải để cho ai mà để phục vụ cho chính mình.
Chính vì vậy, đến các giáo xứ trọng giáo phận Bùi Chu ngày nay rất dễ nhận ra nét đặc trưng xóm làng vuông vức, đường làng được thiết kế theo hình bàn cờ, kết nối, liên thông, đứng ở đầu dong có thể nhìn thông đến cuối mà không bị cản tầm mắt”- Linh mục chia sẻ.
Nhưng thú vị đầu tiên đến từ chính con người nơi đây. Họ chân chất, hiền lành, thật thà đến…thán phục. Nét chân chất, thật thà ấy có lẽ do sự cần lao mà thành. Hình ảnh thường thấy ở nhiều gia đình nơi đây là ngày ngày chồng ra khơi đánh cá, vợ ở nhà đan lưới, làm muối, chăm sóc đàn con. Ngày lễ họ cùng nhau đến nhà thờ bày tỏ lòng kính Chúa. Trong cuộc sống có phần xô bồ hiện nay, được tiếp xúc, chuyện trò với những con người miền biển hiền hòa, chất phác, nghe họ kể về cuộc sống, công việc, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của mình quả là điều thú vị... |