Năm Đinh Đậu ngắm bộ sưu tập gà khủng của "Vua chim Bắc Bộ"

Theo TTXVN 27/01/2017 13:20

Gã cười rổn rảng khi thấy chúng tôi cứ mắt tròn, mắt dẹt nhìn ba cá thể Chúa gà có nguồn gốc từ Mỹ nặng gần chục cân do chính tay gã ấp nở thành công từ trứng. So với “đồng loại” Việt Nam, con vật bệ vệ, lông dài, mượt phủ kín cả chân. Ức nở, cánh phần phật như chiếc quạt lớn. Đặc biệt, khi phát triển trưởng thành, trọng lượng tối đa của loài gà này có thể đạt xấp xỉ gần 20kg.

Đàn gà quý phi tại trang trại của Trần Nhữ Giáp. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Hiện tính sơ bộ, trang trại Vườn Chim Việt của ông chủ Trần Nhữ Giáp có tới gần chục giống gà gồm cả giống tự nhiên đặc hữu của Việt Nam và các giống ngoại lai quý được gã dày công đưa về.

Gã gàn mê… chim

Nhìn Trần Nhữ Giáp với cơ ngơi hàng chục héc ta trang trại nuôi đủ thứ chim chóc, gia cầm bây giờ, khó ai có thể nghĩ, gã đã từng là một cử nhân Quản trị kinh doanh của Đại học Thương Mại. Ai cũng nghĩ, ra trường, gã sẽ gắn chặt mình với những dự án đầu tư hoàng tráng, những dự án tiền tỷ, những dãy văn phòng ngăn nắp, khang trang. Càng khó hình dung hơn, khi gã từng dấn thân, thành lập hẳn một công ty chuyên tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp FDI. Thế nhưng, những thất bại trong kinh doanh đã khiến Giáp phải từ bỏ giấc mơ đầu đời. Chính trong lúc chán nản ấy, gã lại tìm được đam mê, cũng là con đường đi riêng của mình.

Ban đầu, gã bắt đầu tìm đến với thú chơi chim cảnh chỉ đơn thuần để cho khuây khỏa. Thế rồi, càng chơi, càng tìm hiểu lại càng mê mải. Ngày gã bày tỏ ý định sẽ mở rộng mô hình nuôi thả chim, gia cầm tự nhiên, tất cả những người thân xung quanh đều lắc đầu ngán ngẩm. Họ bảo gã bị gàn dở, rằng người ta mong thoát cảnh làm nông dân mãi không được, gã lại cố đâm đầu vào. Thậm chí, vợ Giáp từng gây áp lực bằng cách đòi ly hôn. Thế nhưng, quyết tâm của gã đã khiến mọi người phải chào thua. Gã chính thức bước vào “nghiệp” nuôi chim của riêng mình.

Giờ nhìn lại quãng thời gian khó khăn ấy, ông chủ Trần Nhữ Giáp vẫn nhớ như chuyện mới xảy ra chỉ hôm qua. Ngày ấy, với hai bàn tay trắng, gã vừa phải hỏi mượn đất của người thân, vừa chạy vạy vay mượn được 40 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại. Năm 2008, Giáp chính thức trở về làm nông dân và tiếp tục mất thêm hơn một năm để hoàn thành đủ thủ tục pháp lý cho trang trại của mình. Cũng từ đây, từ một anh cử nhân kinh tế, gã ngày đêm mày mò học cách cho chim ăn, chim ngủ, thậm chí… rình cả chim, gà đẻ trứng.

Trần Nhữ Giáp bên đàn gà đen có nguồn gốc từ Indonesia của mình (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+).

Dù cố công như vậy, nhưng thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật, lại không có bất kỳ mô hình tương tự nào tại Việt Nam để học hỏi, chim chết rất nhiều. Tiền của theo đó cũng dần dần đội nón ra đi. Không nản chí, anh nông dân đất Hà Nam lại khăn gói, sang tận các nước phát triển hơn như Malaysia, Thái Lan, Australia… để “đèn sách”.

Trời không phụ lòng người, quy mô trang trại của Giáp ngày càng mở rộng. Tính tới hiện nay, trong tay Giáp đã có tới 3 trang trại lớn ở phía Bắc và một ở phía Nam với hàng nghìn cá thể chim các loại. Ngoài việc xuất bán thương phẩm, điều đáng tự hào hơn, là các trang trại này hiện đang lưu giữ nhiều giống chim đặc hữu quý hiếm của Việt Nam.

Cười như được mùa khi ngắm đàn sáo đang bay đi, bay về trên hòn đảo nhân tạo tại trang trại xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), ông chủ Trần Nhữ Giáp thảnh thơi bảo: Cuộc đời gã bây giờ đã gắn chặt với chim, gà. Một ngày không được nghe tiếng hót, gã sẽ buồn lắm.

Bộ sưu tập gà có một không hai

Khi biết có khách tới thăm và muốn tìm hiểu về các loài gà quý nhân năm Đinh Dậu, ông chủ Giáp mặc dù đang công tác ở tận Ninh Bình vẫn vội vã trở về Đông Mỹ để trực tiếp dẫn chúng tôi đi.

“Hiện nay, trang trại Vườn chim Việt có rất nhiều giống gà của cả Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Tiêu chí của chúng tôi là phát triển, nhân giống trên cơ sở bảo tồn nguồn gien, tránh tình trạng thoái hóa giống,” anh Giáp cho hay.

Góp mặt tại trang trại Đông Mỹ đầu tiên phải kể đến các giống gà quý của bản địa như Gà 9 cựa (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) - loài vật xuất hiện trong sính lễ thách đấu của vua Hùng năm nào hay gà Đông Tảo mập mạp, uy nghiêm. Đây là hai giống đã được anh Giáp nuôi trong nhiều năm qua, có khả năng phát triển tốt với môi trường mới.

Đặc biệt nhất, trong năm Đinh Dậu, trang trại của anh Giáp còn nhập về hai giống gà rất đặc biệt của Indonesia và Mỹ.

Đưa chúng tôi đến dãy chuồng nằm khá riêng biệt, ông chủ Giáp úp mở: Đây là nơi nuôi nhốt một trong những giống gà hiếm nhất thế giới có tên là Gà mặt quỷ. Đây là một giống gà rất kỳ lạ của Indonesia khi toàn bộ cá thể vật nuôi có màu đen tuyền. Thậm chí, lưỡi, nội tạng bên trong lẫn khung xương cũng đều đen.

Đúng như lời giới thiệu, trong khu chuồng khoảng 20m2 là hàng chục cá thể gà có hình dáng thuộc diện… xấu nhất nhì thế giới. Do đang vào mùa thay lông, những chú gà đen để lộ ra những mảng da đen bóng. Từ trên xuống dưới, không sao tìm ra được màu gì khác biệt.

Cận cảnh "khuôn mặt xấu xí" của gà mặt quỷ Indonesia (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+).

“Giống này có tên là Ayam Cemani nghĩa là đen hoàn toàn, chỉ có ở đảo Java. Do màu sắc này, người dân địa phương coi đây là loài quý giá, thiêng liêng và mang lại may mắn,” anh Giáp thuyết trình.

Đặc biệt, đôi mắt của Ayam Cemani rất khác biệt, thay vì tròn như gà thường, chúng lại có hình bầu dục và hơi dẹt. Để có thể đưa “linh vật đảo Java” về thành công, Giáp đã phải bay đi bay lại nhiều lần, lang thang khắp các vùng hẻo lánh xứ vạn đảo để tìm giống thuần chủng.Sau nhiều lần thương lượng với dân địa phương, cuối cùng, anh cũng đã mua được giống quý trở về. Hiện, giá gà đen trên thị trường quốc tế có nơi đã lên tới hơn 2.500 USD/con, tương đương với khoảng hơn 50 triệu đồng. Tại Việt Nam, do trang trại vào hàng “đắt đỏ” khi giá cho một cá thể vẫn ở mức 20-30 triệu đồng/con.

Đây được coi là giống gà đắt đỏ nhất nhì hiện nay, khi giá của một cá thể có thể lên tới 50 triệu đồng/con. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+).

Một giống gà khác cũng không kém phần độc đáo là Vua gà hay gà Brahama. Brahama là giống gà lớn nhất thế giới, con lớn nhất có thể đạt trọng lượng xấp xỉ 20kg. Đây là giống có nguồn gốc từ Mỹ, được chính tay anh Giáp ấp nở từ 5 quả trứng ban đầu. Hiện, ông chủ trang trại cũng có ý định nhân giống thêm cho loài vật này.

Gà Brahama, một trong những giống gà nặng nhất thế giới cũng đang có mặt tại trang trại này. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+).

Ngoài ra, anh Giáp cũng đang sở hữu nhiều giống gà khác của Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Ba Lan…

“Ước muốn của tôi giờ một mặt là bảo tồn và nhân rộng các nguồn gien quý của các giống đặc hữu của Việt Nam; mặt khác tiếp tục mở rộng mô hình, nhằm đa dạng thêm các loài gia cầm từ nhiều nơi trên thế giới,” anh Giáp chia sẻ.

Theo TTXVN