Người Khmer Nam Bộ với Tết nguyên đán
Người Khmer Nam Bộ vốn có ngày Tết cổ truyền của riêng mình (Tết Chôlchnăm-thmây) được gọi là Lễ vào Năm mới, thường được tổ chức vào khoảng giữa tháng 4 (dương lịch).
Đồng bào Khmer làm bánh tét chuẩn bị đón Tết.
Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long, do quá trình sống đan xen, cộng cư lâu đời với người Kinh, người Hoa hoặc do mối quan hệ mang tính ràng buộc trong hôn nhân nên nhiều hộ đồng bào Khmer cũng tổ chức "Ăn Tết Nguyên đán".
Tại nhiều địa phương có đông người Khmer sinh sống như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ... cứ gần đến ngày Tết, bà con lại sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm lễ vật, quần áo chuẩn bị đón năm mới.
Trẻ em dân tộc Khmer vui đón Tết với trò chơi múa Lân.
Vào giờ phút thiêng liêng đón giao thừa, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau trong bầu không khí đầm ấm, ngập tràn hạnh phúc. Trẻ nhỏ háo hức chờ đón người lớn lì xì. Khi kim đồng hồ điểm đúng không giờ, người lớn tuổi trong gia đình thắp nhang, nến lên bàn thờ như một sự tri ân đối với bề trên, cũng như cầu xin Thần, Phật, những người đã khuất ban phép lành cho gia đình, dòng tộc. Ở một số chùa còn tổ chức các hoạt động văn nghệ góp phần làm cho không khí Tết thêm rộn ràng.
Đồng bào Khmer múa hát mừng năm mới.
Trong xu thế hội nhập, cùng với điều kiện kinh tế ngày một phát triển, việc đồng bào Khmer song song tổ chức "Ăn Tết Nguyên đán" bên cạnh Tết Chôl-chnăm-thmây không chỉ phản ánh nét giao thoa văn hóa giữa các tộc người mà còn là minh chứng sinh động cho truyền thống đại đoàn kết dân tộc vốn có từ bao đời nay của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.