Tạo mô người trong phôi của lợn
Bằng công nghệ tế bào gốc, các nhà nghiên cứu tại Viện Salk (Hoa Kỳ) đã tạo ra những tế bào người và mô người trong phôi của lợn.
Việc tạo ra nội quan của người phát triển trong cơ thể động vật có thể giúp cung cấp các nội quan như tim, phổi, thận,… cho các bệnh nhân cần được cấy ghép. Bằng công nghệ tế bào gốc, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những tế bào người và mô người trong phôi của lợn. Kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Cell.
Mặc dù công bố này đánh dấu một bước tiến lớn, việc kết hợp các tế bào người và động vật còn nhiều khó khăn và việc sản xuất các nội quan của người theo công nghệ nói trên còn nhiều trở ngại, theo tiến sĩ Jun Wu tại Viện Salk – tác giả thứ nhất của công bố.
Theo TS.Wu, các loài tiến hóa độc lập và có nhiều yếu tố quyết định chương trình phát triển hoàn toàn khác biệt, nên việc kết hợp tế bào của một loài với phôi đang phát triển của một loài khác là không dễ dàng. “”Khoảng cách tiến hóa càng lớn thì càng khó để kết hợp!”” – Ông Wu cho biết.
Trước đây, nhóm nghiên cứu đã thực hiện những thí nghiệm tương tự, tạo ra những thể lai (chimera) giữa chuột cống và chuột thường và đã chứng minh được sự thành công trong việc tạo ra nội quan của chuột cống trong vật chủ thiếu nội quan đó.
Tuy nhiên, thể lai lại có thêm cả túi mật, là nội quan mà chuột cống không có. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng, các tương tác giữa các tế bào vật chủ và tế bào gốc được cấy ghép là khá phức tạp và môi trường vật chủ là rất quan trọng trong việc quyết định các nội quan được tạo thành.
Trong thí nghiệm về tế bào gốc của người trên phôi lợn, lợn được chọn làm đối tượng vì kích cỡ cũng như thời gian phát triển của các nội quan của lợn là khá tương đồng với của người. Mục đích của nhóm nghiên cứu là để tìm hiểu xem các tế bào gốc của người liệu có thể sống sót trong phôi loài khác và liệu chúng có biệt hóa và phát triển.
Với những tiến bộ mới gần đây của công nghệ tế bào gốc và tái sắp xếp gen (gene editing), các nhà nghiên cứu đã có thể đưa các tế bào gốc của người vào phôi lợn ở giai đoạn sớm hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây. Bước tiến lớn này đã cho kết quả khả quan là tế bào gốc của người đã sống sót trong phôi lợn và có những dấu hiệu của sự di chuyển và biệt hóa.
Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu, cho thấy các tế bào gốc của người có thể phát triển trong phôi của loài khác, nhóm nghiên cứu đã phải hủy phôi này sau 28 ngày nghiên cứu do nhiều quan ngại.
Mối quan ngại thứ nhất là về khả năng các tế bào người có thể di chuyển và phát triển trong não động vật, và động vật có thể bị “người hóa” (humanized).
Mối quan ngại thứ hai là về khả năng các tế bào người có thể di chuyển vào và phát triển trong tủy xương, nơi tạo ra các tế bào gốc của động vật, và do đó, các gen của người có thể bị chuyển cho các thế hệ tiếp theo của động vật.
Trong cả hai trường hợp, các nhà khoa học đều sẽ phải đối mặt với các vấn đề về đạo đức nghiên cứu: Các thể lai được tạo ra (ít nhiều có tính chất “người””) sẽ phải được đối xử như thế nào – thật khó để giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể liên quan đến những trường hợp như thế này, hậu quả của việc tiếp tục nghiên cứu xa hơn sẽ là không thể lường trước được.
Được biết Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia của Hoa Kỳ (NIH) đang làm việc để xây dựng những chính sách liên quan đến các nghiên cứu về các thể lại như thế này để đảm bảo rằng các nghiên cứu hấp dẫn như vậy có thể được tiếp tục thực hiện nhưng được giám sát trong khuôn khổ cho phép.