Sắc lệnh cấm nhập cảnh có phải là công cụ hữu ích bảo vệ nước Mỹ?
Vẫn chưa rõ, biện pháp này mang lại những lợi ích gì cho nước Mỹ, song trước mắt nó đã gây nhiều xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm trên tay sắc lệnh ông đã ký tại Bộ Quốc phòng ở Virginia, ngày 27/1 2017. Ảnh: UPI.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua lấy làm hài lòng về biện pháp mà chính quyền của ông đang thực hiện nhằm hạn chế người tị nạn và công dân các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời cho đây là bước đi nhằm bảo vệ Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố cũng như tăng cường an ninh quốc gia.
Vẫn chưa rõ, biện pháp này mang lại những lợi ích gì cho nước Mỹ, song trước mắt nó đã gây nhiều xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia trên thế giới.
Còn nhớ, sự kiện kinh hoàng xảy ra cách đây gần 16 năm khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công vào ngày 11/9/2001 luôn là lời cảnh báo với giới lãnh đạo về sự an toàn cho nước Mỹ. Từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hình thành thì an ninh của nước Mỹ cũng bị thách thức và nguy hiểm hơn. Mặc dù không xảy ra một vụ tương tự như vụ 11/9 trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, song nguy cơ bị tấn công luôn đe doạ nước Mỹ.
Để ngăn chặn nguy cơ này, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ngừng tiếp nhận người tị nạn đến Mỹ trong vòng 4 tháng và cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, trong đó có Xyri, I-rắc, Iran. Nhà lãnh đạo này khẳng định đây không phải là lệnh cấm Hồi giáo như những thông tin mà giới truyền thông đăng tải, và không liên quan đến tôn giáo, mà nó chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa khủng bố.
Ông Donald Trump nói:“Chúng ta thực sự đã có quãng thời gian rất ổn xét về mặt an ninh, song chúng ta cần phải nhanh chóng đưa ra quyết định và đẩy nhanh hành động để tăng cường đảm bảo an ninh hơn nữa. Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều khoản cần được thượng viện Mỹ thông qua.”
Hiện chưa rõ sắc lệnh mới ban hành có tạo ra biến chuyển mới trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ hay không, song nó đã làm dậy sóng trong quan hệ của Mỹ với thế giới, đặc biệt là cộng đồng Hồi giáo, cũng như các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong một động thái được cho là đáp trả chính sách mới của ông Trump, quốc hội Iraq hôm qua đã thông qua Nghị quyết kêu gọi Chính phủ nước này ban hành một lệnh cấm nhập cảnh đối với công nhân Mỹ. Quốc hội Iraq cũng kêu gọi Liên hợp quốc, Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo vẫn động Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vừa đưa ra.
Thành viên của Ủy ban đối ngoại Quốc hội Iraq Ahlam Al-Hussein nêu rõ: “Một số lượng lớn gia đình ở Iraq đã bị ảnh hưởng bởi quyết định này và họ sẽ khó có cơ hội được đoàn viên. Tuy nhiên, điều khiến Iraq bất bình đó là bị liệt vào những quốc gia gây bất ổn cho cộng đồng quốc tế mặc dù Iraq nằm trong tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi cho rằng, Iraq đã bị tổn hại nghiêm trọng do những hành động mà nhóm khủng bố IS gây ra, do đó thật không công bằng khi phải nhận một quyết định như vậy.”
Cùng ngày, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã lên tiếng phản đối sắc lệnh trên của Mỹ, cho rằng điều này đang làm tổn hại đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan. Tuyên bố nêu rõ, hành vi phân biệt đối xử sẽ chỉ làm hằn sâu tư tưởng chống đối của những kẻ cực đoan. Động thái này sẽ châm ngòi cho các hành vi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố, trong bối cảnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đang phối hợp với các đối tác, trong đó có Mỹ chống lại mọi hình thức và biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Trong khi đó, Pháp và Đức, hai nước đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố không đồng nghĩa với việc đặt những nhóm người chung một tôn giáo dưới sự hoài nghi. Bà cũng nhấn mạnh, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donld Trump cấm công dân 7 nước Hồi giáo tới Mỹ đã vi phạm tinh thần hợp tác quốc tế.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin, Đức, bà Angela Merkel nói: “Cuộc chiến thiết yếu và cương quyết chống chủ nghĩa khủng bố không thể biện minh cho việc nghi ngờ tất cả những người theo một đức tin cụ thể, ở đây là những người theo đạo Hồi, hoặc những người có một lai lịch nhất định nào đó. Tôi cho rằng hành động này đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của việc hỗ trợ người tị nạn và hợp tác quốc tế.”
Theo bà Angela Merkel, Phủ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao sẽ làm tất cả những gì có thể, đặc biệt đối với những công dân Đức mang hai quốc tịch bị ảnh hưởng, và sẽ trợ giúp trong trường hợp cần thiết. Thủ tướng Đức cũng cho biết thêm, Đức đang tham vấn chặt chẽ với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề này.
Pháp cũng tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số lượng thị thực cấp cho công dân Iran trong năm 2017, như một biện pháp phản ứng trước sắc lệnh mới của Mỹ. Phát biểu trước cộng đồng người Pháp tại thủ đô Iran, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định việc tiếp nhận người tị nạn là một nghĩa vụ và cũng là câu trả lời cho sự đoàn kết. Ông nhấn mạnh, chủ nghĩa khủng bố không có quốc tịch và việc phân biệt đối xử không phải là phản ứng phù hợp trong cuộc chiến này.