Nỗ lực kiểm soát nợ xấu

H.Hương 02/02/2017 10:10

Tuy vẫn còn “điểm nghẽn” cốt lõi về nợ xấu, song các ngân hàng cho rằng, vẫn có đà để tạo sự tăng trưởng bền vững. Các nhà băng đang chạy đua tăng tốc.

Tính đến thời điểm này nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%.

Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống

Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong thời gian gần đây, tạo ra nhiều tiến triển tích cực trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Và ngay trong những ngày đầu năm mới các cơ chế, biện pháp cũng như chỉ thị từ cơ quan quản lý được đưa ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân. Tại Chỉ thị 02/ CT – NNHNN mới nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, yêu cầu các TCTD bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lanh pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD; NHNN tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại; nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia cơ cấu lại các TCTD để xử lý TCTD yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của các TCTD.

Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và mở rộng mạng lưới của các NHTM; xây dựng và triển khai tiêu chí cấp phép mới đối với một số loại hình TCTD theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và các cam kết quốc tế. TCTD không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, TCTD không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại được phê duyệt sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp can thiệp xử lý của Nhà nước thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và bằng một số biện pháp khác phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Và các ngân hàng cũng đang nỗ lực kiểm soát nợ xấu. Chẳng hạn sau sau tái cơ cấu, lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân NCB cho biết, tăng kiểm soát được các khoản vay thuộc nhóm 3-4- 5. Hiện tỷ lệ khoản vay các nhóm này tại ngân hàng chỉ còn chiếm 2,07% tổng dư nợ.

Sử dụng 5 giải pháp chính

Tính đến thời điểm này nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện có 5 giải pháp chính được áp dụng để xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, xử lý tập trung qua VAMC. Thứ hai, các ngân hàng thương mại tự tái cơ cấu nợ. Thứ ba, sự hỗ trợ cơ chế của NHNN và Bộ Tài chính. Thứ tư, phát triển thị trường mua bán nợ, cho phép các công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường này. Thứ năm, cho phép các ngân hàng lớn niêm yết trên thị trường tài chính quốc tế và mạnh dạn mở room đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bởi nguồn lực trong nước hiện rất hạn chế.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, sẽ tổ chức triển khai các giải pháp mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời từng bước hình thành thị trường mua bán nợ trên cơ sở minh bạch, làm rõ cơ chế cho sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng VAMC tập trung triển khai các nhiệm vụ rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp.

Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; Phối hợp với TCTD bán nợ khởi kiện khách hàng vay chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, đồng thời phối hợp với cơ quan thi hành án và cơ quan chức năng trong quá trình thu giữ tài sản và thi hành các bản án đã có hiệu lực.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với TCTD trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các dự án dở dang. Tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Tăng cường năng lực định giá, đánh giá tài sản; phối hợp với TCTD thường xuyên tổ chức bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tích cực triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền của TCTD được ủy quyền, khách hàng vay, khoản nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm.

H.Hương