Thị trường hàng hóa sau Tết: Giá cả ổn định, dồi dào nguồn cung
Mặc dù chưa thực sự sôi động, song không khí trên thị trường hàng hóa tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại ngay từ sáng 1/2 (tức ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Khảo sát của PV cho thấy, do nguồn cung khá dồi dào từ trước Tết nên hầu hết các mặt hàng giá cả vẫn ổn định.
Giá cả hàng hóa không biến động nhiều sau Tết.
Tại Hà Nội, không khí mua sắm vẫn còn khá trầm lắng vì hầu hết các cửa hàng vẫn chưa mở cửa. Tuy vậy, một số siêu thị và nhiều cửa hàng tiện lợi, đại lý… đã chính thức mở cửa ngay từ ngày mồng 1 Tết đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã mở cửa 5 nhà hàng, ki-ốt từ ngay ngày đầu năm mới. Và đến ngày mồng 2 Tết, Hapro mở thêm 7 siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu người dân. Và từ ngày mồng 3 Tết (tức ngày 30-1), các siêu thị lớn như Big C, Fivimart, Vinmart... cũng đã đồng loạt mở cửa đón khách.
Khảo sát của nhóm PV cho thấy, giá các mặt hàng hầu hết vẫn ổn định, giữ giá so với trước Tết Nguyên đán. Theo lãnh đạo Hapro, tổng giá trị dự trữ hàng hóa từ trước Tết Nguyên đán cho đến thời điểm sau Tết (12/2) là 1.200 tỷ đồng. “Từ trong Tết Nguyên đán Đinh Dậu cho đến hết ngày 12/2, Hapro tập trung cung ứng các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm, hàng điện máy, đồ gia dụng, thời trang, các sản phẩm ăn uống, giải khát như: giò chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, nước mắm, rượu bia…” – đại diện Hapro cho biết. Và chính vì nguồn cung được chuẩn bị dồi dào như vậy, nên đến thời điểm này, các sản phẩm được bày bán tại Hapro giá vẫn không sự thay đổi so với trước Tết.
Giá trong siêu thị vẫn ổn định, tuy nhiên giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại các chợ đã có sự thay đổi. Một số loại rau tăng giá nhẹ như súp lơ xanh và trắng tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/cây, riêng súp lơ xanh có nơi bán 20.000 đồng/cây. Su hào, cần tây, tỏi tây... đều tăng 10-15% so với dịp trước Tết. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, thịt bò và các loại hải sản có giá cao, cụ thể, thịt bò thăn có giá 300.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 đồng so với dịp trước Tết. Các loại cá có giá từ 70.000-120.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/kg so với trước Tết.
Mặc dù các chợ truyền thống và các kênh bán lẻ hiện đại đã hoạt động lại bình thường, song theo ghi nhận ngày 1/2 của PV, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM, lượng hàng về chợ chưa nhiều.
Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau củ quả chỉ có khoảng 1-2 so với thời điểm trước Tết. Thậm chí còn nhiều sạp hàng vẫn cửa đóng then cài, chủ cửa hàng không mặn mà với sức mua đầu năm mới. Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, lượt khách đến các chợ truyền thống trong những ngày Tết chủ yếu đi vào buổi sáng, trong đó mặt hàng rau xanh, củ quả được lựa chọn nhiều nhất. “Khách hàng đi chợ trong những ngày Tết chủ yếu là những người ở lại thành phố đón Tết, không đi chơi xa, hoặc không dự trữ rau xanh, thực phẩm trong nhà”, một tiểu thương cho hay.
Mở cửa phục vụ khách hàng từ rất sớm (ngày mùng 2 Tết), các hệ thống bán lẻ hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, sức mua sau Tết vẫn chưa mạnh và đang tăng dần các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau xanh. Trong đó, rau củ quả được lựa chọn nhiều nhất với phương án chống ngán dịp Tết. Hợp tác xã Thương mại TP. HCM cho hay, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, tất cả các hệ thống của đơn vị đã mở cửa kinh doanh từ mùng 2 Tết với khung giờ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa cho đến mùng 5 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Từ ngày mùng 6 Tết trở đi sẽ mở cửa hoạt động theo khung giờ bình thường.
Theo dự báo của Sở Công thương TP HCM, năm nay đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết) nên sức mua trên thị trường trong các ngày này sẽ tăng mạnh trở lại. Dự kiến tăng từ 20 - 30% so ngày thường do nhu cầu tăng mạnh. Còn những ngày trước đó (từ mùng 1 Tết đến mùng 5 Tết) sức mua không cao, hàng hóa tại các kênh bán hàng truyền thống lẫn kênh bán lẻ hiện đại tiêu thụ chậm.
Tại TP Đà Nẵng, ghi nhận của PV cho thấy, thị trường hàng hóa cũng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Theo Sở Công thương TP Đà Nẵng, các thương nhân kinh doanh tại 8 chợ lớn của thành phố đã chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết và trong Tết ước khoảng 150 tỷ đồng. Với nguồn cung thực phẩm dồi dào như vậy nên giá cả các sản phẩm như thịt lợn, thịt gà, giò chả… dịp sau Tết hầu như vẫn ổn định. Duy chỉ có một số loại rau xanh giá biến động khá mạnh. Một số tiểu thương tại chợ Bắc Mỹ An cho biết, do mưa lũ kéo dài những tháng cuối năm 2016, nhiều loại rau củ quả bị mất mùa, khiến giá tăng mạnh sau Tết. Đơn cử như rau muống, rau mồng tơi có giá 20 nghìn đồng/bó, rau cải xanh 15 nghìn đồng/bó (đều tăng 15-20% so với dịp trước Tết).
Theo dự báo của Bộ Tài chính, trong những ngày tới, giá cả các loại hàng hóa sẽ không có biến động lớn so với thời điểm trước Tết. Giá lương thực, thực phẩm vẫn ổn định do lượng dự trữ dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ, Bộ Tài chính dự báo, có thể tăng ở mức cao do lượng người dân đi du xuân và đi lễ đầu năm tăng cao, cần được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc giám sát, quản lý kịp thời.