Sản vật ở sông Loan
Từ bao đời nay, dòng sông Loan (ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cần mẫn mang nước về tưới mát cho những ruộng đồng, sản sinh ra những sản vật dâng tặng quê hương. Sông Loan như là người mẹ ôm ấp, vỗ về những chiếc thuyền con sau những ngày vươn khơi bám biển...
Sò huyết - sản vật của dòng sông.
Sông Loan hay còn được gọi là sông Roòn, sông Di Luân (thuộc huyện Quảng Trạch) bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ đổ ra biển. Mặc dù không dài nhưng sông Loan lại có một công trình thủy lợi cực kỳ quan trọng. Đó là hồ thủy lợi Vực Tròn, thuộc địa phận xã Quảng Hợp. Những năm 80 của thế kỷ trước, hàng vạn ngày công của nhân dân Quảng Trạch đã được huy động để xây dựng công trình thủy lợi Vực Tròn. Sau 3 năm, công trình hoàn thành với dung tích hơn 50 triệu m3 và được coi là bể chứa nước của sông Ròon, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho các khu vực hạ nguồn Quảng Trạch.
Sông Loan quanh năm nước đủ đầy, quyện một màu xanh ngắt, nhẹ nhàng đổ ra biển. Người dân địa phương thường nói đùa rằng, sông Loan như một con rồng uốn lượn, ôm ấp, chở che những làng quê ở ven hai bờ sông... Dọc theo đôi bờ sông Loan là cảnh xóm làng san sát, sầm uất buôn bán trên bến dưới thuyền hay những vùng khoanh nuôi trồng thủy sản.
Cũng như bao vùng quê sông nước khác, cư dân hai bên bờ sông Loan từ bao đời nay vẫn dựa nghề chài lưới, kéo rớ trên sông để kiếm sống. Từ những con cá, con tôm, ốc, sò được sông Loan ban tặng đã nuôi sống bao thế hệ người xứ Ròon. Dù không dài, không rộng, không tích tụ, bồi đắp nên những dải đồng bằng trù phú như hệ thống sông Nhật Lệ, sông Gianh nhưng dòng chảy của sông Loan vẫn chất chứa bao hương vị, những sản vật lưu danh.
Và nhắc đến sản vật sông Loan, không thể bỏ qua món sò huyết thượng hạng. Từ chỗ gấp khúc ở Quảng Châu, sông Loan chuyển hướng đổ ra biển. Khi đi qua đoạn xã Quảng Tùng, Quảng Phú bắt gặp dòng nước mặn từ biển theo triều lên xuống. Sự giao hòa giữa dòng nước tinh khiết từ mạch Hoành Sơn và vị mặn mòi của nước biển tạo thành nơi cư ngụ của nhiều loại sản vật nước lợ như hàu, sò, ốc, tôm, cua thuộc hàng “thượng hạng”. Sò huyết là loại sản vật trứ danh trên khúc sông này. Món sò huyết được người dân vùng Ròon xem như của quý và nổi tiếng khắp nơi. Tích xưa kể lại rằng, vào những năm được mùa sò huyết, các thuyền buôn thường ghé cửa Ròon thu mua để tiến cống vua chúa, quan lại triều đình. Dân vùng Ròon vì thế vẫn thường gọi đây là loại “sò huyết tiến vua”...
Ông Phạm Xuân Ngọc, (ở xã Quảng Tùng), người rất tâm huyết và duy nhất nuôi sò huyết sông Loan mười mấy năm qua kể, cứ vào dịp cuối năm, lượng người mua sò huyết sông Loan tăng đột biến, ngoài món ăn bổ dưỡng, sò huyết còn mang lại may mắn cho cả năm nên đây cũng là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Từ con sò huyết, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Xuôi theo dòng sông Loan về tới cửa biển là hàng trăm con thuyền của ngư dân các xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Châu... đang neo đậu chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi. Gặp chúng tôi trên bến thuyền, ngư dân Trịnh Văn Hồng nở nụ cười hiền lành nói: “Ngư dân Cảnh Dương kiên trì bám biển với lại thời tiết thuận nên được mùa cá. Đầu năm mọi sự như vậy là hanh thông rồi chú”.
Những hạt mưa lất phất bay nhẹ trong gió chiều, dòng sông Loan vẫn một màu xanh biếc, nhẹ nhàng lượn mình qua các làng quê yên bình, ôm ấp và che chở cho bao thế hệ cư dân ven sông, hun đúc nên những làng quê trù phú.