Rào cản
Theo số liệu thống kê, hết tháng 12/2016 kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt 2,1 tỷ USD, tương đương 4,8 triệu tấn. Từ kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2016 cho thấy, con số này thấp hơn 600 ngàn tấn so với kế hoạch đầu năm và giảm mạnh so với năm 2014, 2015. Như vậy, năm 2016 được xem là năm không mấy sáng sủa cho hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu gạo Việt không thể về đích so với kế hoạch đề ra trong một vài năm trở lại đây là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thứ nhất, khá nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống tự chủ trong việc cung cấp gạo.
Đơn cử, Philipines, Indonesia, Malaysia,… giảm lượng nhập khẩu, thực hiện chính sách tự cung, tự cấp. Thậm chí, có một vài thị trường từ nước nhập khẩu gạo đã chủ động đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khó tính. Ngoài ra, một số thị trường nhập khẩu có tiếng là dễ tính cũng khắt khe lên kế hoạch kiểm soát chất lượng gạo nhập khẩu.
Về nguyên nhân chủ quan, gạo Việt Nam từng “soán” ngôi vị quán quân của nhà xuất khẩu gạo trong nhiều năm trước đây nhưng bất cập ở chỗ, ngành lúa gạo Việt Nam chỉ mong muốn gia tăng lượng gạo xuất khẩu mà bỏ quên chất lượng.
Chính vì vậy mà, gạo ngon xuất khẩu chiếm tỷ lệ thấp và đa phần là gạo tầm trung. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi giảm sức cạnh tranh của hạt gạo Việt.
Đại diện Bộ Công thương từng khẳng định, thành tích xuất khẩu gạo trong 30 năm vừa qua của Việt Nam là lớn song còn nhiều bất cập. Bài toán về chất lượng gạo được đưa ra mổ xẻ nhiều nhưng đến thời điểm này gạo Việt Nam vẫn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Người tiêu dùng thế giới không mường tượng được hình ảnh gạo Việt.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu gạo Việt liên tục giảm và giảm mạnh trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo hiện nay đang gặp khó khăn từ cung – cầu, cho nên có nhiều khả năng xuất khẩu gạo không đạt kế hoạch đề ra.
Dự báo, năm 2017 vẫn là một năm khó khăn cho gạo xuất khẩu và lượng cũng chỉ đạt mức 5 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2016. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn tình hình gạo xuất khẩu ổn định cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ.
Cụ thể, thay đổi cơ chế chính sách không còn phù hợp như Nghị định 109 – vốn được coi là “vật cản đường” của doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu gạo, hình thành chuỗi cung ứng hệ thống chế biến và phân phối hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt,…
Khó khăn khách quan và chủ quan tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu là có, các bộ ngành liên quan sẽ phải tìm cách phát triển thị trường cũ cũng như thị trường mới. Song muốn mở rộng thị trường hiệu quả cần có thông tin dự báo để doanh nghiệp tìm triển khai tốt cho hoạt động xuất khẩu gạo.