Lùm xùm tại Dự án bệnh viện nghìn tỷ
Thi công chậm tiến độ nhiều năm, đã qua 8 lần điều chỉnh và đội vốn tăng gần gấp đôi, nhưng Dự án Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lạng Sơn có mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (sử dụng ngân sách trái phiếu chính phủ) vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gần đây, dư luận địa phương càng bất bình hơn khi các sai phạm của dự án này dần bị lộ sáng.
Đã qua 8 lần điều chỉnh, nhiều lần giãn tiến độ nhưng đến nay Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn vẫn còn dang dở.
Dự án “rùa bò”
Ngày 26/12/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng BVĐK tỉnh Lạng Sơn. Theo thiết kế, dự án có quy mô 700 giường bệnh gồm các công trình nhà chính 4 tầng, khám nội trú 15 tầng, khu kỹ thuật 5 tầng, khu đào tạo 9 tầng, nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân 5 tầng, các công trình phụ trợ, xử lý chất thải với tổng số vốn đầu tới 1.700 tỷ đồng do Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng trên diện tích 25 ha ở thôn Phai Trần của TP Lạng Sơn. Đây được đánh giá là công trình xây dựng dân dụng có quy mô lớn nhất tỉnh Lạng Sơn từ trước đến nay và dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015.
Ngày khởi công Dự án, đông đảo cán bộ, nhân dân Lạng Sơn rất đỗi vui mừng bởi sau khi hoàn thành, tỉnh Lạng Sơn sẽ có bệnh viện to, hiện đại nhất nhì khu vực. Người dân sẽ có điều kiện được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Mặt khác, BVĐK cũ nay trở nên chật chội quá tải.
Tuy nhiên, niềm hi vọng lớn nhanh chóng biến thành sự thất vọng khi Dự án thi công theo kiểu “rùa bò”, có nhiều khuất tất gây ra sự lãng phí lớn và sự bức xúc của người dân địa phương.
Do công tác khảo sát không đảm bảo yêu cầu dẫn đến khi thi công BVĐK tỉnh Lạng Sơn gặp phải đá cứng phải dịch chuyển công trình làm phát sinh chi phí, gây lãng phí vốn đầu tư số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Mặt khác, quá trình giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục khác của Dự án cũng rất ì ạch nên đến thời hạn cuối năm 2015 Dự án vẫn trong tình trạng dở dang không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Đến thời điểm này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã 8 lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư BVĐK tỉnh Lạng Sơn.
Theo tiến độ ban đầu, Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015 nhưng hiện tại, toàn bộ các hạng mục của dự án đều đang thi công dang dở.
Nhiều sai phạm
Theo điều tra của phóng viên, Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn có tổng mức đầu tư ban đầu là 999 tỷ 881 triệu đồng (ngân sách trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương 107 tỷ 974 triệu đồng).
Đến thời điểm 31/12/2015 (theo phê duyệt ban đầu phải hoàn thành) dự án thực hiện chậm tiến độ, các hạng mục thi công dang dở, trong khi ngân sách trung ương đã bố trí đủ vốn trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương mới bố trí 10 tỷ đồng và còn thiếu 97 tỷ 974 triệu đồng.
Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bệnh viện không đúng quy định, vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh dự án, đầu tư không đồng bộ, có nguy cơ gây lãng phí lớn.
Mặt khác, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh quy mô của Dự án, tăng tổng mức đầu tư vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến triển khai các hạng mục không đồng bộ.
Cụ thể: Dự án được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt lần đầu theo Quyết định số 2122/QĐ-UBND ngày 20/10/2009, với quy mô 700 giường bệnh, tổng mức đầu tư 999 tỷ 881 triệu đồng.
Ngày 29/11/2013, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND, tăng tổng mức đầu tư lên 1.548 tỷ 606 triệu đồng, vượt quy mô vốn trái phiếu chính phủ của Dự án theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ (điều chỉnh hạng mục các khoa nội trú tăng từ 12 tầng lên 15 tầng, bổ sung khu nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân, điều chỉnh diện tích các phòng, khoa).
Đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã 8 lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Do không có vốn UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư là 1.760 tỷ 917 triệu đồng, tăng so với phê duyệt lần đầu là 761 tỷ 036 triệu đồng.
Toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho toàn dự án đến tháng 12/2016 chưa được phê duyệt do chưa cân đối được nguồn vốn.
Đồng thời, toàn bộ các hạng mục đã được phê duyệt theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND nhưng nay chuyển sang giai đoạn 2, gồm: Thiết bị Trung tâm y tế có phòng khám, phòng điều trị, văn phòng; thiết bị phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm; Thang máy nhà E cao 15 tầng; chống thấm toàn bộ công trình; cấp thoát nước ngoài nhà, hệ thống điện ngoài nhà; Thiết bị xây lắp còn lại các hạng mục nhà A, B, C, E, G…
Như vậy, giai đoạn 1 của Dự án bao gồm các hạng mục chủ yếu của dự án (nhà A, B, C, D, E, G, nhà Cầu ) sau khi đầu tư hoàn thành chưa thể đưa vào vận hành khai thác vì thiếu thiết bị do đầu tư không đồng bộ.
Nhận định về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư của Dự án từ 999 tỷ 881 triệu đồng lên 1.760 tỷ 917 triệu đồng dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để thực hiện dự án theo tiến độ, phải điều chỉnh dự án thành 2 giai đoạn, thực hiện đầu tư không đồng bộ và không thể đưa công trình vào hoạt động khi dự án hoàn thành dẫn đến nguy cơ gây lãng phí lớn và không phát huy được hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ như đã nêu trên là chưa đúng theo Quyết định 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa và một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn, sử dụng vốn TPCP…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, công tác tổ chức Đấu thầu tại Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1866/QĐ-UBND ngày 25/11/2010 phê duyệt kế hoạch đấu thầu thực hiện Dự án BVĐK tỉnh trong đó các gói thầu chỉ định thầu không đúng quy định gồm: gói thầu số 6- lô số 1 (có giá trị là 36 tỷ 300 triệu đồng) và gói thầu số 7-lô số 4 (giá gói thầu 7 tỷ 040 triệu đồng).
Được biết, theo Khoản 1, Điều 54 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa trọn nhà thầu “Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: không quá 500 triệu đồng đối với cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công”.