Ứng xử với lễ hội

Hương Lê 03/02/2017 08:00

Bắt đầu từ ngày 2/2 (tức ngày Mùng 6 tháng Giêng), nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng tại đền Sóc (Hà Nội), lễ hội chém lợn (phường Ném Thượng, TP Bắc Ninh), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)... đã đồng loạt vào mùa khai hội. Lễ hội xuân vốn là một hoạt động văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân dân. Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa linh thiêng gắn với nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội.

Dẫu thế những trăn trở trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội trong cuộc sống hiện đại thì vẫn kéo dài từ mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác.

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, mùa lễ hội năm 2016 đã có sự chuyển biến tích cực khi những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đã đi vào nề nếp. Trên thực tế, những chuyển biến ấy có giảm, nhưng chưa nhiều. Ấy là chưa kể năm 2016 cũng là năm nhiều địa phương đua nhau phục dựng lễ hội một cách tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi...

Vấn đề an toàn mùa lễ hội lâu nay luôn là mối quan tâm của nhiều người, về vấn đề này bà Trịnh Thị Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã cho biết: Mùa lễ hội 2017 nhiệm vụ trọng tâm là xử lý những lễ hội có vấn đề nổi cộm như chen lấn xô đẩy, tranh cướp, bạo lực, hướng tới ứng xử văn minh trong lễ hội.

Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc có lễ hội cướp phết, đả cầu cướp phết xây dựng kế hoạch chi tiết, có phương án điều chỉnh phù hợp để không tái diễn tình trạng cướp thật lực, cướp bằng được như những mùa lễ hội trước. Các lễ hội này trong truyền thống cũng không có cảnh chen lấn xô đẩy cướp bằng được như hiện nay.

Đặc biệt, Hội Phết Hiền Quan tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông (Phú Thọ) năm nay, BTC kiên quyết không để tái diễn tình trạng hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau, tranh cướp như trước. Thay vào đó, mỗi thôn làng sẽ thành lập một tổ từ 4-5 người, đầu tư trang phục giống nhau trong một tổ, phân biệt với các làng khác, các thôn làng sẽ “cướp phết” trong trật tự, tạo hình ảnh đẹp, đúng chất văn hóa, không phản cảm như những năm trước…

Dẫu thế, ở một góc nhìn khác không thể lên án lễ hội theo cách mà truyền thông lâu nay vẫn nhìn thấy gì là “phán” nấy. Bởi bên cạnh những lễ hội chen lấn xô bồ, vẫn còn đó những hội làng đích thực, với những lề thói xưa được cộng đồng địa phương gìn giữ từ đời này qua đời khác.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền: Trong số 8.000 lễ hội đã thống kê lâu nay, thực chất có những lễ hội chỉ của một làng quê, ở một vùng nhỏ. Tiền tổ chức lễ hội do dân làng tự góp, tự thu chi với nhau, có thêm tiền công đức, đâu có tiền của nhà nước cho... Ở những lễ hội đó, chủ thể là dân, khách thể là dân, những giá trị văn hóa tín ngưỡng do người dân tự sáng tạo ra để phục vụ đời sống tinh thần của chính họ. Vì thế không nên áp đặt cung cách quản lý hành chính vào lễ hội, lại càng không thể nói là lãng phí, tốn kém gì ở đó cả…

Đơn cử như lễ hội Minh Thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch (tại cụm di tích đền chùa Hòa Liễu, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy- Hải Phòng), nhằm tái dựng nghi lễ cổ truyền đã tồn tại từ hơn 500 năm trước: Quan thề không tham nhũng của công, dân thề sống trung thực thẳng thắn.

Chỉ có điều theo người dân địa phương, trong suốt hơn chục năm qua kể từ khi “hội thề” được phục dựng đến nay, vị quan cao nhất tham gia thề cũng chỉ là trưởng thôn song vị này lại không phải là cán bộ công chức nhà nước, nên trong quan niệm của cộng đồng thì đó chưa phải là đại diện của quan tới thề.

Việc gìn giữ nghi lễ truyền thống trong lễ hội cũng vẫn là những băn khoăn còn bỏ ngỏ. Nhà quản lý và cộng đồng chưa thống nhất về việc thực hành nghi lễ truyền thống trong lễ hội văn hóa dân gian nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay như vấn đề gìn giữ nghi lễ truyền thống của hội làng, của lễ hội hay bãi bỏ tục hiến sinh.

Đây cũng chính là câu hỏi từng gây tranh cãi ngay cả ở một hội nghị sơ kết cấp Bộ. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng cho rằng những nghi lễ truyền thống vốn gắn với hội làng, gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của một vùng, được thực hành thường xuyên trong cộng đồng cần được tôn trọng song một số nghi lễ hiến sinh cần được tổ chức tế nhị và có văn hóa hơn.

GS. Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng: Việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ những lễ hội, nghi thức trong lễ hội văn hóa dân gian, hãy tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa.

Theo các chuyên gia văn hóa, lễ hội hiện nay đang tồn tại nhiều mặt trái, hiện tượng tiêu cực từ mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác, mặc cho những hoạt động kiểm tra giám sát lễ hội thường niên của các cơ quan chức năng.

Được biết mới đây Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội thảo ứng xử văn minh trong lễ hội với sự tham gia của các địa phương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Các đại biểu đều thống nhất quan điểm là hướng tới xây dựng bộ khung về quy tắc ứng xử trong lễ hội, trong đó sẽ có quy định ứng xử của Ban tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội, ứng xử của cộng đồng địa phương với người tham gia lễ hội. Đây sẽ là quy định khung để các địa phương, ban quản lý lễ hội xây dựng quy định cụ thể, yêu cầu người tham gia lễ hội thực hiện ở địa phương…

Các nhà nghiên cứu văn hóa và cộng đồng đều đang kỳ vọng rằng, mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Những mặt tiêu cực trong lễ hội sẽ dần được loại bỏ.

Hương Lê