Giới lãnh đạo EU họp bàn về vấn đề nhập cư và lo ngại an ninh
Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu cuộc họp tại Malta trong hôm 3/2, với hàng loạt các vấn đề nóng hổi cần phải giải quyết về người nhập cư, nỗi lo về số lượng người xin tị nạn ngày càng gia tăng, gánh nặng kinh tế và an ninh trên bàn nghị sự.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nêu bật 3 thách thức
của EU trước kỳ họp thượng đỉnh tại Malta. (Nguồn: Reuters).
Cuộc họp lần này quy tụ 27 lãnh đạo châu Âu, nhằm xem xét tiến trình thỏa thuận xử lý người tị nạn mà EU đã ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3-2016, và vạch ra các biện pháp tăng cường chiến lược hữu hiệu để đối phó với làn sóng người nhập cư và tị nạn mà EU đang phải tiếp nhận.
Việc đặt vấn đề người tị nạn thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong cuộc họp lãnh đạo EU năm nay cho thấy khối này đang hết sức quan ngại về tình trạng an ninh ở một số quốc gia đóng góp phần lớn lượng người tị nạn như Syria và Iraq đặc biệt là trong bối cảnh họ đã thất bại trong việc xóa bỏ làn sóng người nhập cư đến từ vùng Địa Trung Hải và cận Sahara.
Thỏa thuận người di cư giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu dự kiến sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận do là nguyên nhân gây ra nhiều bất đồng giữa hai bên trong suốt năm vừa qua thậm chí có lúc khiến Ankara đe dọa sẽ hủy thỏa thuận này nếu như EU không chịu thực thi các cam kết tài chính đối với họ.
Hai ngày trước khi vòng họp diễn ra, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một bản báo cáo về việc thực thi thỏa thuận này trong đó đề cập tới việc họ đã cấp 200 triệu Euro cho phía Thổ Nhĩ Kỳ để thành lập và trang thiết bị cho các trường học dành cho trẻ em tị nạn cũng như hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo của Ankara.
Theo báo cáo, năm 2016 đã chứng kiến đợt viện trợ tài chính lớn chưa từng thấy cho chương trình người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 500 triệu Euro mà EU chi ra để xây dựng các trại tị nạn và chương trình hỗ trợ người tị nạn ở các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài 3 tỷ Euro mà EU cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, có khoảng 37 dự án khác được 2 bên ký kết với số tiền lên tới 1,45 tỷ Euro.
Ankara và EU đã đạt được thỏa thuận trên vào ngày 18/3/2016 nhằm giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép và nạn buôn bán người. Theo thỏa thuận, có hiệu lực từ ngày 4/4/2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận người nhập cư cập bến các hòn đảo và các vùng lãnh thổ của Hy Lạp.
Thỏa thuận cũng đưa ra nhiều biện pháp cần thiết để trục xuất những người nhập cư không phải công dân Syria trở về nước sở tại, trong khi người di cư Syria được sắp xếp chỗ ở tại các trại tập trung bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, và người tị nạn Syria đăng ký hợp pháp tại Thổ được gửi trả về các nước EU.
Ngoài vấn đề người nhập cư và tị nạn, giới lãnh đạo EU cũng thảo luận về việc chuẩn bị cho kỷ niệm lần thứ 60 ngày ký kết Hiệp định Rome, thiết lập nên Cộng đồng Kinh tế châu Âu năm 1958.
Trong một bức thư gửi tới 27 lãnh đạo EU trong đó nói về tương lai của khối này trước khi hội nghị Malta diễn ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói rằng tương lai của châu lục này đang trong thời khắc quan trọng: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”. Ông Tusk nói rằng các thách thức hiện tại mà EU đang phải đối mặt nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây.
“Ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức” - ông Tusk nói, chỉ ra ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình an ninh ở một số nước Trung Đông, và mối đe dọa đến từ chính sách nhập cư và tị nạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vị quan chức cũng nêu bật nỗi lo về làn sóng dân túy, phản đối khối EU đang trỗi dậy mạnh mẽ trong cộng đồng các nước EU.
“Trong một thế giới đầy căng thẳng và xung đột, điều cần nhất là lòng dũng cảm, quyết tâm và sự đoàn kết về chính trị của người dân châu Âu. Thiếu chúng, chúng ta sẽ không thể sống sót” - ông Tusk nói.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không tham dự phần hai của hội nghị khi 27 nhà lãnh đạo còn lại thảo luận tương lai của khối hậu Brexit cùng công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Rome (Italy) tháng 3 tới để kỷ niệm 60 năm thành lập EU.
Các vấn đề quốc tế khác được Hội nghị thượng đỉnh EU lần này đề cập nhiều khả năng sẽ liên quan đến tương lai của mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Malta được tổ chức sau khi các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên có cuộc họp tại Bratislava hồi tháng 9 năm ngoái, và với mục đích vạch ra hướng phát triển mới cho cộng đồng EU. Nguyên tắc của Lộ trình Bratislava là quyết tâm hướng EU tới sự thành công, cải thiện dịch vụ của các nước thành viên và tiếp tục ủng hộ và hội nhập kinh tế-chính trị giữa các nước thành viên.