Thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ
Không phủ nhận, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một điểm nổi lên rất đáng lo ngại trong hoạt động xuất khẩu chính là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp (DN) FDI. Theo giới chuyên gia đánh giá, nguyên nhân chính nằm ở nền công nghiệp phụ trợ của chúng ta vẫn chưa có những đột phá.
Phát triển công nghiệp phụ trợ được kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới.
Vẫn theo lối mòn, sẽ khó phát triển
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều năm trở lại đây, kể từ thời điểm hội nhập với WTO, hàng hóa của ta xuất khẩu đã mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn, thị trường xuất khẩu cải thiện hơn, song xuất khẩu mang nội hàm trong nước còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao.
Chủ yếu các giá trị xuất khẩu mang lại vẫn nằm ở khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nguyên nhân của thực trạng này nằm ở chỗ, nền công nghiệp phụ trợ chưa có bước tiến đáng kể. Khả năng của các DN Việt Nam tham gia vào các mạng, chuỗi sản xuất - kinh doanh còn thấp và yếu, chưa nói đến số DN vươn lên được lại càng ít ỏi. Thực tế này đòi hỏi phải có một sự đột phá về công nghiệp phụ trợ hiện nay.
Theo ông Nguyễn Sơn, Ủy ban Hội nhập kinh tế quốc tế, về bản chất trong mấy chục năm qua, chúng ta rất mong muốn phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chưa thay đổi được bản chất khi mà chúng ta vẫn lựa chọn các ngành như dệt may, da giày, ô tô, cơ khí – đó là những ngành chúng ta đã không thành công đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ thì nay vẫn tiếp tục đầu tư cho các ngành đó. Như vậy là tư duy vẫn theo lối cũ – khó phát triển được.
Theo vị chuyên gia này, lĩnh vực linh kiện điện tử là lĩnh vực các DN Việt Nam có nhiều lợi thế khi được tiếp xúc trực tiếp với các Tập đoàn lớn như Samsung nhưng hầu như lĩnh vực này các DN Việt Nam lại rất yếu. “Tôi rất thất vọng khi thấy Vietronics, một thương hiệu hàng đầu thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử của Việt Nam lại chưa kết nối được với Samsung, đây là một điều rất đáng tiếc” – ông Sơn chia sẻ quan điểm
Liên quan tới những tác động hội nhập, cá nhân ông Nguyễn Sơn cho rằng, những hiệp định Việt Nam đã ký kết sẽ có tác động rất tích cực tới công nghiệp hỗ trợ bởi hai lý do: Ký kết với những nền kinh tế có tác động tích cực với công nghiệp phụ trợ. Khi ký kết chúng ta sẽ có những chính sách đầu tư hợp lý hơn, sẽ dựa trên yếu tố thị trường chứ không phải là duy ý chí.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, khó khăn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ một phần về vốn đầu tư rất mỏng, nhưng bên cạnh đó còn do chính sách chưa đúng hướng.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, ngoài vấn đề về vốn, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển xứng tầm còn do quan điểm, chiến lược của chúng ta chưa hợp lý dẫn đến các DN không hào hứng tham gia vào lĩnh vực này. “Nhiều DN hiện nay chỉ thích làm dịch vụ chứ không phải là công nghiệp hỗ trợ.
Đó là điều dễ hiểu bởi lĩnh vực nào có lợi nhuận lớn thì họ mới đầu tư. Do đó, phía Nhà nước cần phải tạo cơ chế, động lực để làm sao DN nhìn thấy họ được những lợi ích gì từ phát triển công nghiệp hỗ trợ, như vậy, họ mới tham gia” – TS Lưu Bích Hồ nêu quan điểm.
Tạo động lực mới
Được biết, liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng mới đây đã ký ban hành Quyết định 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến 2025 với mục tiêu tạo tiền đề, định hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tập trung vào việc kết nối, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất…
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ hướng đến việc hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu...
Trong đó, mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa…
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bền vững thì không còn con đường nào khác là phải tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ.
Động thái này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có những bước ngoặt mới, tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Theo Vụ Công Nghiệp nặng (Bộ Công thương), khi Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đi vào triển khai thực hiện, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với một số ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, ngành điện tử - tin học, ngành dệt may - da giày… với khả năng đáp ứng nội địa hóa cao cho các ngành sản xuất trong nước. |