Kiều bào lễ chùa đầu năm
Anh bạn thân ở Canada vừa gửi cho tôi một video quay lại thời khắc đón giao thừa của bà con kiều bào tại ngôi chùa Lâm Tỳ Ni (TP Surrey, Canada) với lời chúc năm mới bình an hạnh phúc. Đối với người Việt xa quê, đi lễ chùa đầu năm có thêm một ý nghĩa nữa- là dịp quây quần bên nhau, cùng nhớ về quê hương để không quên đi dòng máu đang chảy trong huyết quản của họ ...
Người Việt đi lễ chùa đầu năm tại Mỹ.
Khi nhận được clip tôi hỏi cắc cớ, sao lại là đi lễ chùa mà không phải là hoạt động nào khác? Anh bạn đáp lời: Hỏi gì kỳ cục. Hầu hết người Việt sống xa quê đều đến chùa nếu không thể trở về Việt Nam dự tết đoàn viên cùng gia đình. Theo lời anh bạn, sau một năm bon chen, bôn ba nơi xứ người, những giây phút ngắn ngủi đúng thời khắc giao thừa ở những ngôi chùa Việt sẽ khiến lòng anh thanh tịnh. Mọi phiền muộn sẽ để lại ở phía sau.
Suy nghĩ của anh bạn tôi có lẽ cũng là suy nghĩ của cả bao thế hệ kiều bào sống xa quê. Với họ đi lễ chùa là hoạt động không thể thiếu. Đến chùa cẩu bình an. Đến chùa để được đắm mình trong nghĩa đồng bào để mình không quên nguồn cội….Có quá nhiều lý do như vậy cho nên ngày càng nhiều ngôi chùa được dựng nên nơi đất khách. Vừa là để bồi đắp nét đẹp tâm linh cho những người con đất Việt, nhưng những ngôi chùa này dường như có những điểm đặc biệt tương đồng đó là, chở hồn Việt.
Đến chùa sẽ thấy hồn Việt qua cách trang trí rất tết. Ở mỗi một góc nhỏ người ta sẽ thấy mâm ngũ quả, cành đào, bánh chưng xanh, hoa cúc…Đến chùa để được ăn cơm chay nấu bằng hạt gạo làng Việt. Đến chùa sẽ thấy các bà, các mẹ, các em nhỏ thậm chí là các bố xúng xính trong những chiếc áo dài. Đến chùa để được xem những điệu múa dân gian, những bài hát Việt không lẫn vào đâu được. Thế nên không thể không đưa gia đình đến chùa vào thời khắc giao thừa, Ngọc Châu - anh bạn Việt kiều ở Canada chốt lại.
Không chỉ ở Canada, đi lễ chùa ngày đầu năm mới đã trở thành một nét tâm linh của người Việt tại Pháp, Mỹ, Đức…và nhiều nước trên thế giới. Tại Pháp Trúc Lâm Thiền Viện và chùa Khuông Việt trở thành những địa điểm quen thuộc để phật tử tìm đến cầu bình an cho người thân và gia đình, là nương tựa tinh thần cho những tâm hồn người Việt Nam xa xứ. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp liên tục từ nhiều năm nay đã lồng ghép nhiều chương trình đậm tết Việt tại các ngôi chùa vào những ngày đầu năm.
Những ngày qua các ngôi chùa trong thành phố Sacramento (California, Mỹ) rất đông người đến lễ Phật. Đặc biệt, vài ngôi chùa có cảnh đẹp thu hút rất đông khách thập phương đến không chỉ lễ, chiêm bái mà còn để chụp hình, ngoạn cảnh. Lễ chùa ngày Tết là truyền thống đẹp nên dù bận rộn đến mấy, Phật tử vẫn sắp xếp thời gian để lên chùa dịp đầu năm.
Lễ chùa ngày Tết còn là dịp để người Việt xa quê diện áo dài truyền thống của dân tộc. Đầu xuân đi lễ nhận lộc chùa và thành tâm cúng dường là tục lệ đẹp, có ý nghĩa. Thường khách vãn cảnh chùa và phật tử được chùa tặng những trái quýt chín vàng tươi tượng trưng cho những điều may mắn, tốt đẹp (Cát), kèm những bao đỏ đựng những câu kinh ngắn hay những lời hay ý đẹp khuyên dạy cách sống tốt, khuyên tu tâm sửa tánh.
“Sống xa quê hương, người Mỹ gốc Việt đến chùa vào ngày Tết là để vơi đi nhiều nỗi nhớ nhà vì có thể cảm thấy được không khí ấm cúng, tiếng kinh, tiếng chuông mõ trầm ấm, mùi trầm hương cũng như tiếng người nói cười chúc nhau những lời chúc tốt đẹp về một năm mới an lành, may mắn, đầy hy vọng”, anh Huy một kiều bào ở Mỹ chia sẻ.
Với đông đảo cộng đồng kiều bào sinh sống, làm ăn ở Vương quốc Anh, Chùa Linh Sơn ở thủ đô London từ lâu đã trở thành một địa chỉ tín ngưỡng thân thuộc để bà con tìm thấy sự bình an trong tâm khảm và hồn khí quê hương. Từ 8h tối 30 Tết Đinh Dậu, nhiều bà con đã tập trung tại điện chính để chuẩn bị cho khóa lễ sám hối khép lại năm cũ và chào đón năm mới. Ai nấy đều tự động lấy quyển kinh được xếp ở bên cửa vào rồi nhanh chóng ngồi vào hàng để làm lễ.
Nhiều em bé được bố mẹ diện trang phục dân tộc đi lễ chùa. Các em ngồi ngoan ngoãn chăm chú nghe tiếng kinh tiếng mõ. Cũng có cả những cô gái Việt đưa bạn trai hay chồng là người nước ngoài đến lễ chùa để giới thiệu về nét văn hóa dân tộc Việt.
Sống ở Anh nhiều chục năm nay, Phật tử Giác Kim cho biết bà và gia đình vẫn thường xuyên đi lễ chùa và giữ truyền thống ăn Tết cổ truyền. Phật tử tâm sự: “Dù sống xa xứ nhưng mình là người Việt thì vẫn phải giữ truyền thống của quê hương mình. Đó là truyền thống của cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại thì mình phải giữ để các thế hệ tương lai, con cháu biết đến và duy trì. Tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng dù mình sống ở xứ người nhưng không được quên nguồn cội Việt Nam.”
Sinh viên Nguyễn Mai Xuyên đang theo học tại Đại học Hertfordshire cho biết đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của em và đến chùa cho em cảm giác bớt nhớ nhà hơn. “Vì ở Anh người ta không tổ chức Tết âm lịch nên em lên đây để có không khí Tết hơn,” Mai Xuyên chia sẻ.
Khóa lễ đón năm mới ở Chùa Linh Sơn thêm phần rộn ràng trong tiếng pháo giao thừa và màn múa lân truyền thống. Không khí Tết dân tộc lan tỏa từ khói hương trầm thơm ngát tới vẻ xúc động xen lẫn hân hoan của các Phật tử khi được nhận lộc mừng tuổi lấy may từ các vị trụ trì. Ra về, hầu như ai cũng nhớ mua một lọ muối nhỏ theo đúng truyền thống “Đầu năm mua muối” của người Việt với ước muốn cuộc sống cả năm được mặn mà, đầm ấm. Các khóa lễ cầu an còn được tổ chức từ nay cho đến rằm Tháng Giêng để mọi Phật tử gần xa đều có cơ hội đến hành lễ, nguyện cầu cho bản thân và gia đình trong năm mới được mạnh khỏe, bình an.
Hương Nguyên