Đi hội đầu năm

Dương Xuân 05/02/2017 08:35

Quá đông người đi lễ hội trong thời gian ngắn, không gian có hạn là một trong những nguyên nhân chính được viện dẫn cho thực trạng chen chúc, quá tải ở lễ hội truyền thống. Sự thiếu ý thức dẫn đến chen lấn, tranh cướp lộc của rất nhiều người, cũng là nguyên nhân xảy ra tiêu cực lễ hội. Nhưng không thể không kể đến sự “tung hoành” của chính người dân địa phương nơi có “đặc sản lễ hội”, cũng như cao hơn, là các cơ quan chức năng địa phương có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn người dân trong quá trì

Tự làm xấu hình ảnh

Hàng quán bừa bãi vây kín cổng đình, chùa, tràn lan trên các lối đi trong khuôn viên công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Các điểm gửi xe vây xung quanh các di tích và những hè phố khu vực liền kề di tích. Đó là những cảnh tượng phổ biến tại nhiều lễ hội truyền thống, nhiều di tích trong các dịp đầu xuân, nơi thường thu hút đông đảo khách thập phương và nhân dân sở tại về thắp hương, chiêm bái.

Những ngày đầu xuân này, tại khu vực chùa Mía trong quần thể di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội) - đón chân khách thập phương về lễ chùa là hàng loạt hàng hương, hoa, quà bánh… xâm chiếm ngoài cổng lẫn trong khuôn viên chùa, tăng thêm sự chật chội, cản trở dòng người ra vào di tích, lan tỏa những mùi khói, khét cũng như những mùi thiếu thanh sạch khác trong khu vực một công trình tôn giáo danh tiếng. Thậm chí ở ngay cổng vào chùa, dưới gác chuông dựng toàn bằng gỗ, vẫn có người ngồi quạt bánh đa và những người bán hàng khác sử dụng bếp lửa, gây nguy cơ hỏa hoạn cao.

Cảnh tượng này vốn cũng không khó gặp tại khu vực thắng cảnh chùa Phật Tích (xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh) - nơi mà nhiều năm qua từ ngày hội chùa mùng 4 tháng Giêng, hàng rong bán cá nướng, trứng nướng và đồ uống đã vây kín các đường dẫn từ cổng lên chùa, theo sườn núi lên công trình đại phật tượng và bảo tháp. Nhiều hàng quán rong lấn chiếm, đương nhiên kéo theo những mái bạt bẩn thỉu cùng rác rưởi xả bừa bãi của quán lẫn khách hành hương. Khu vực danh thắng này nhiều năm qua còn xuất hiện ngày càng thêm nhiều mộ phần của người dân địa phương táng trên sườn núi, vây quanh vườn tháp, rải rác theo các lối đi. Tình trạng đó đem lại cho danh thắng nổi tiếng này một cảnh tượng lộn xộn, thiếu tổ chức.

Còn đối với xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), thì thực trạng đông đảo người dân địa phương tham gia kinh doanh đủ các loại dịch vụ vào mùa hội chùa Hương, nhiều năm qua đã góp phần gây ra tình trạng chật chội, lấn chiếm đường đi, ô nhiễm không khí, ô nhiễm âm thanh trong khu vực quần thể thắng tích danh tiếng nơi này. Chùa Hương, chùa Phật Tích, chùa Mía…, cùng với nhiều khu vực di tích, danh thắng khác, là một số trong nhiều những trường hợp mà hoạt động kinh doanh dịch vụ của người dân sở tại đã gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt đến lễ hội truyền thống hay các hoạt động nghi lễ trong dịp mùa xuân ở địa phương.

Chùa Hương bị làm xấu bởi những hàng quán. (Ảnh: Ngọc Anh).

Không thể bỏ qua

Có thể người dân sở tại, hay chính những cán bộ văn hóa, cán bộ chính quyền và các ngành chức năng khác ở địa phương lập luận rằng, có cung thì phải có cầu, cần tạo điều kiện phục vụ, thỏa mãn nhu cầu mua sắm, ăn nghỉ của đông đảo du khách đi lễ hội, cũng như tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Mục đích đó không có gì đáng phản đối, nhưng rõ ràng, cách thức tổ chức thực hiện đang gặp nhiều vấn đề, thậm chí tiêu cực và ngày càng trở nên trì trệ, thiếu sáng tạo. Để đến mức, những hành động vi phạm, tác động xấu đến di tích, danh thắng đã trở nên quen thuộc đến mức bình thường.

Việc lấn chiếm không gian danh thắng, di tích để tổ chức kinh doanh dịch vụ, việc bố trí dịch vụ một cách lộn xộn, thiếu quy hoạch, thiếu xử lý chặt chẽ, thậm chí dung túng cho những sai phạm thường trực, chính là những “nhát đục” làm mục ruỗng, tổn thương các lễ hội từ trong ra. Nói như vậy, có nghĩa, chính một bộ phận người dân địa phương và đội ngũ cán bộ quản lý, cơ quan chức năng sở tại đã góp phần làm bẩn, làm xấu đi hình ảnh lễ hội, di sản văn hóa của quê hương mình.

Không thể đưa ra một kỳ vọng lý tưởng và phi thực tế cho việc không ai, hay không quá đông người tham gia kinh doanh để giữ sự trong lành, thanh sạch của không gian di tích, danh thắng trong mùa hội xuân. Đó cũng là nhu cầu mưu sinh chính đáng của người dân địa phương trong hoàn cảnh đời sống nông thôn còn nhiều khó khăn. Nhưng việc nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh linh hoạt quy hoạch cho các khu vực dịch vụ của lễ hội, cũng như nghiêm túc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm đối với di tích, danh thắng là việc cần làm, trong điều kiện và trách nhiệm của các cơ quan chức năng sở tại.

Bán bánh củ mài tại chùa Hương. (Ảnh: Hoàng Thu).

Đồng thời, tuyên truyền, vận động, thậm chí răn đe, cưỡng chế để các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật về tôn trọng, bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, cũng cần phải là công tác thường xuyên của các cơ quan trên. Cần bố trí các khu vực riêng cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm mà không gây ảnh hưởng đến đình, đền, chùa, thắng cảnh… Cần lắp đặt nhiều hơn nữa các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng không thu phí để giải tỏa nhu cầu của lượng du khách khổng lồ và của chính người dân địa phương tham gia các dịch vụ lễ hội.

Các lễ hội truyền thống với phần lễ thường lấy khu vực di tích làm trung tâm để tổ chức các hoạt động nghi lễ, nên rất dễ nhận thấy, nhiều vi phạm “hồn nhiên” hay diễn ra ngay trong các khu vực này. Nhìn rộng hơn, không chỉ vào các dịp lễ hội, mà xung quanh, bên trong một di tích, các hoạt động đó vẫn có thể diễn ra lâu dài, bởi nhu cầu hành hương, lễ bái của khách thập phương là quanh năm.

Như vậy, sự xâm phạm, gây ảnh hưởng xấu đối với di tích, có thể nhận thấy vào nhiều thời điểm khác nhau. Nhận thức rõ thực trạng này, cũng chính là nhận ra tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các ban quản lý di tích, cơ quan văn hóa địa phương, tỉnh thành và cơ quan cấp bộ. Để từ đó siết chặt hơn những quy định của luật pháp mà trong đó có luật di sản văn hóa, có các văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo tồn, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng. Nếu không, không chỉ vào mùa lễ hội, di tích, danh thắng và cảnh quan chung mới bị làm cho lộn xộn, nhếch nhác, mà đó còn là thực trạng liên tục. Và hơn thế, vẻ đẹp và sự bền vững của các di tích, danh thắng cũng thường xuyên bị đe dọa.

Dương Xuân