Điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ: Vẫn là câu chuyện dài

Lê Vinh 05/02/2017 09:00

Quy chế tuyển sinh chính thức vừa được Bộ GD-ĐT công bố với quyết định vẫn giữ lại điểm sàn đã gây ra khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đặc biệt, không ít thí sinh hụt hẫng vì trước đó mới 1 tháng, trong trong dự thảo quy chế tuyển sinh, Bộ đã lấy ý kiến dư luận về việc bỏ điểm sàn.

Bất ngờ... điểm sàn

Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh công bố cách đây hơn một tháng, Bộ GD&ĐT từng dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung như mọi năm, mà để các trường ĐH tự quy định và tự công bố ngưỡng đầu vào của từng trường. Tuy nhiên, trong Quy chế tuyển sinh ĐH 2017, Bộ đã chính thức xác nhận sẽ vẫn công bố điểm sàn chung như năm 2016 trở về trước. Như vậy, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường.

Em Nguyễn Thu Hà - học sinh trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Khi biết thông tin có thể bỏ điểm sàn em rất mừng. Theo Hà, bỏ điểm sàn, cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ của chúng em sẽ nhiều hơn. Nhiều trường top dưới không tuyển sinh được thí sinh có thể sẽ hạ điểm chuẩn trúng tuyển xuống dưới điểm sàn hàng năm một chút để xét tuyển. Như vậy nhiều bạn sẽ có cơ hội trúng tuyển.

Là thí sinh tự do, Thu Hằng (Từ Sơn – Bắc Ninh) cho biết: “Năm trước, thiếu nửa điểm so với điểm sàn mà em mất cơ hội xét tuyển vào trường ĐH. Sau đó cũng được biết ngành đó dù đã lấy điểm bằng sàn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh.” Theo Hằng, việc tuyển sinh đầu vào chênh nhau 1 - 2 điểm cũng không quan trọng, bằng quá trình học và ra trường như thế nào.

Nói về việc Bộ GD-ĐT quyết định giữ lại điểm sàn, một giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho rằng: “Việc giữ lại điểm sàn là hợp lý, tuy nhiên Bộ GD-ĐT trước khi đưa ra bất kỳ một thay đổi nào kể cả dự thảo đều nên cân nhắc thật kỹ”. Theo thầy giáo này, trước đó trong dự thảo nói bỏ điểm sàn, Thứ trưởng cũng giải thích rất cặn kẽ vì sao bỏ, dư luận cũng băn khoăn rồi lại lắng xuống vì thấy phân tích cũng có lý. Phụ huynh, học sinh và giáo viên cũng xác định là sẽ bỏ điểm sàn. Rồi bất ngờ lại giữ điểm sàn. Điều này khiến dư luận bị hụt hẫng.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, quy định về điểm sàn chung sẽ chỉ còn áp dụng cho năm 2017. Từ năm 2018, Bộ quy định các trường phải công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trong đó, nhấn mạnh về điều kiện đội ngũ, giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, các công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, đặc biệt là thông tin về tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành)...

Căn cứ vào các thông tin công khai về điều kiện trên, các trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho mình. Cũng theo ông Ga, những trường nào không công bố đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ không được thông báo tuyển sinh.

Quan điểm trái chiều

Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trong dự thảo Bộ muốn bỏ điểm sàn. Tuy nhiên, dư luận cho rằng chủ trương này của Bộ hơi đột ngột. Chính vì vậy, trong quy chế chính thức, Bộ GD&ĐT đã dung hòa bằng cách năm nay vẫn có điểm sàn và từ năm 2018 thì các trường ĐH tự quyết định điểm sàn của mình. “Tôi cho rằng, chủ trương này của Bộ là đúng đắn. Vì nhiều trường quan niệm nếu Bộ không quy định điểm sàn thì lấy bằng nào điểm cũng được. Tôi cho rằng quan điểm này là không chuẩn đối với hệ ĐH. Nếu Bộ bỏ điểm sàn thì cũng phải công bố điểm “sàn” của từng khối trường. Không thể để có chuyện 4, 5 điểm cũng trúng tuyển ĐH. Cho nên, Bộ đã dung hòa được chuyện này” - ông Hóa nói. Cũng theo ông Hóa, với việc giữ điểm sàn trong mùa tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT đã có được “điểm lùi” cho mình để lấy ý kiến các chuyên gia cho việc bỏ điểm sàn vào năm 2018.

TS Nguyễn Kim Quang - Hiệu phó Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng những năm qua điểm sàn mang ý nghĩa vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa định hướng phân luồng thí sinh. Nếu bỏ điểm sàn, nhiều em sẽ cố vào một ngành nào đó ở bậc đại học thay vì chọn các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Khi đó, thí sinh sẽ không phát huy được năng lực của mình.

Ông Quang cũng cho rằng, nếu bỏ quy định điểm sàn thì Bộ Giáo dục - Đào tạo phải cân nhắc đến thực trạng trên và có biện pháp phân luồng thí sinh thích hợp. Các trường đại học cũng cần có những khuyến cáo với thí sinh để các em không mơ hồ về tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra ở các ngành học.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Xê (Hiệu phó Đại học Cần Thơ) ủng hộ việc bỏ điểm sàn, bởi từ nhiều năm các trường thấy quy định này là không cần thiết. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo điều kiện chất lượng đầu vào đại học là tốt nghiệp THPT. Theo ông Xê, qua các năm, điểm sàn đều ở mức 14-15 điểm, nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Bên cạnh điểm sàn, thí sinh phải đủ điểm tốt nghiệp THPT (mỗi môn từ 5 điểm trở lên) mới được đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Hai điều kiện này trùng nhau nên có thể bỏ một.

PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng cho rằng việc bỏ điểm sàn đại học là hợp lý vì vài năm nay nhiều trường đã áp dụng hình thức xét học bạ THPT để tuyển sinh.

Xem ra, việc có nên bỏ điểm sàn hay không, bỏ vào thời điểm nào thích hợp vẫn là câu chuyện dài. Điều quan trọng, theo các chuyên gia giáo dục, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp hiệu quả sao cho đầu vào không bị “ siết” quá chặt mà chất lượng đào tạo vẫn đảm bảo.

Các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định. Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định thì mỗi trường tự xác định điểm sàn cho trường mình.

Lê Vinh