Tăng chất lượng giám sát
Giám sát là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động giám sát vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới nói chung, chất lượng giám sát chưa đáp ứng với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội là giám sát. Thế nhưng hiện hiệu quả giám sát của Quốc hội chưa cao, chất lượng giám sát chưa đáp ứng với yêu cầu.
Theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Viện Nhà nước và Pháp luật, chất lượng của hoạt động giám sát còn nhiều hạn chế, chưa đi sâu, chưa phát hiện và đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, chủ yếu là do phương thức, do năng lực, trình độ, do nể nang, né tránh. Nhiều cơ quan nhà nước chưa nghiêm túc thực thi pháp luật và cũng chưa thực sự coi trọng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; do đó có nhiều kiến nghị qua giám sát chưa được thực sự tập trung xem xét, giải quyết nghiêm túc.
Từ đó bà Hà cho rằng, muốn nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội phải trên cơ sở nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó, cần chú trọng tới việc nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội.
Bởi lẽ, hoạt động giám sát không phải chỉ dừng lại ở các hoạt động xem xét, theo dõi mà còn thể hiện ở việc đánh giá, đưa ra kết luận, kiến nghị và biểu quyết. Đặc biệt đối tượng giám sát của Quốc hội có tính chất đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Do đó đòi hỏi đại biểu Quốc hội không chỉ là người có chuyên môn, có hiểu biết sâu về vấn đề giám sát, có kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá chính xác về nội dung giám sát mà còn phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức của người đại biểu cao nhất của nhân dân. Trong một số hình thức giám sát cần đại biểu Quốc hội phát huy hết năng lực của mình như việc trình kiến nghị, bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Bà Hà cũng cho rằng, cần đa dạng hóa các loại hình giám sát, huy động tối đa các lực lượng, thiết chế chính trị nhằm tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo hướng phối hợp trực tiếp vào một số hoạt động giám sát của Quốc hội và phản ánh kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri để Quốc hội xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát phù hợp với thực tiễn” - bà Hà phân tích.
Mới đây, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong giám sát cần tránh chồng chéo và phải nâng cao chất lượng. Giám sát phải thực sự có chất lượng, và địa phương, bộ ngành phải tôn trọng giám sát của Quốc hội vì đó là giám sát tối cao. 1 bài báo mà có tác dụng mạnh hơn giám sát thì đó là việc cần phải suy nghĩ, làm sao giám sát phải thể hiện được quyền lực dân giao cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Trong khi đó, đề cập đến giám sát của HĐND hiện còn mang tính hình thức, chưa thực chất, nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, những kết luận, nghị quyết về giám sát của HĐND phải là bắt buộc thực hiện đối với UBND, các cơ quan thuộc UBND, chính quyền cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn địa phương. Và theo ông, trường hợp không thực hiện, phải xác định rõ các cơ quan chịu trách nhiệm, cá nhân chịu trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của HĐND. Có như vậy giám sát của HĐND mới có hiệu quả và thiết thực.
Bên cạnh đó, còn một kênh giám sát cũng rất quan trọng đó là giám sát của nhân dân, tuy nhiên thực tế chúng ta chưa có một cơ chế rõ ràng để nhân dân tham gia giám sát. Do đó để phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, thì cần phát huy dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền vận động tại từng khu dân cư, tổ dân phố.
Theo Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung, hiện theo quy định của Đảng và pháp luật, không xử lý đơn thư nặc danh. Tuy nhiên cần kênh lắng nghe ý kiến người dân, đặc biệt là khi người dân phản ánh các vấn đề cụ thể đối với cán bộ đảng viên về phẩm chất chính trị phẩm chất đạo đức thì Đảng phải xem xét thấu đáo.
Ví dụ, khi kiểm điểm cán bộ đảng viên có lắng nghe ý kiến của Mặt trận, đoàn thể. Tuy nhiên có thể mở rộng để lắng nghe ý kiến của Mặt trận, đoàn thể nơi người đó cư trú. Nếu mà chỉ lấy ý kiến của tổ chức đoàn thể tại nơi mà cán bộ đảng viên đó làm việc, công tác thì là hạn hẹp. Khi nhân dân quần chúng chưa có niềm tin thì người ta cũng không dám phản ánh hết đầy đủ sự thật để Đảng có cơ sở xem xét và đánh giá cán bộ đúng và khách quan.