Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng: 'Hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò sữa cao sản'
Chiều 2/2 (tức Mùng 6 Tết Đinh Dậu), Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cùng lãnh đạo đại diện các sở ban ngành TP đã đến thăm và chúc Tết tại Nhà máy sản xuất sữa Việt Nam - thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Khu công nghiệp Mỹ Phước II, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Ban Lãnh đạo Công ty Cổ phần sữa Miền Nam (Vinamilk) cùng tham quan nhà máy sản xuất sữa.
Người nông dân chăn nuôi còn manh mún
Báo cáo với đoàn công tác, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết năm 2016, Vinamilk nộp ngân sách hơn 4.130 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách tại TPHCM đạt trên 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam nắm giữ hơn 50% thị phần với danh mục sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở mọi lứa tuổi như: sữa nước, sữa chua uống, ăn, sữa bột và bột dinh dưỡng; sữa đặc, kem, phô mai, sữa đậu nành,…
Về phát triển nguồn nguyên liệu, đến nay tổng đàn bò bao gồm trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là gần 120.000 con, mỗi ngày cung cấp khoảng 750 tấn sữa bò tươi nguyên liệu. Vinamilk hiện có 10 trang trại đang hoạt động với quy mô tổng đàn gần 20.000 con. Tất cả bò của Vinamilk là bò cao sản, được nhập từ Úc, Mỹ. Nguồn cung cấp sữa tươi trong nước từ nông dân hiện chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu sản xuất của Vinamilk…
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk giới thiệu với Bí thư Thành ủy mô hình Nhà máy sản xuất sữa.
Bà Mai Kiều Liên khẳng định: Hiện Vinamilk thu mua toàn bộ sữa tươi của bà con nông dân sản xuất với mỗi ngày trên 300 tấn đến 400 tấn sữa. Nhà máy sữa Việt Nam hoạt động từ năm 2013, giai đoạn 1 với công suất 400 triệu lít/năm đã hoàn thành và trong năm 2017 sẽ tăng 50% công suất thành 600 triệu lít/năm và đến 2018 sẽ hoàn thành và đạt 800 triệu lít/năm. Vinamilk cam kết phát triển ngành công nghiệp sữa nội địa hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường tăng trưởng nhanh, giảm nhập khẩu và giúp nông dân cải thiện cuộc sống.
“Vinamilk sẵn sàng liên kết với các hộ nông dân trong đó có nông dân huyện Củ Chi để phát triển đàn bò sữa cao sản nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí, tăng năng suất bò và chất lượng sữa khi chăn nuôi bằng bò cao sản nhập từ New Zealand. Vì vậy, Vinamilk mong muốn chính quyền TP có giải pháp phối hợp với Vinamilk để hỗ trợ nguồn vốn cho người nông dân chuyển sang nuôi bò sữa cao sản để đáp ứng nhu cầu sữa cho Vinamilk cũng như tăng thu nhập cho người nông dân” - bà Mai Kiều Liên bày tỏ.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu.
Quý 1/2017 phải hoàn thành đề án Sữa học đường Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ghi nhận, biểu dương và tin tưởng Vinamilk tiếp tục làm rạng danh thương hiệu Việt trên trường quốc tế |
Trước thực trạng nguồn nguyên liệu cho Vinamilk, nguồn cung của người nông dân vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của Vinamilk, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt câu hỏi: hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng cho nhà máy bao nhiêu phần trăm?, bà Mai Kiều Liên cho biết chỉ đáp ứng 30% và Vinamilk đã thu mua hết nguồn sữa sản xuất từ nông dân. Hiện nay nguồn nguyên liệu sữa bột vẫn phải nhập khẩu vì hiện trong nước chưa đủ nguồn cung cho Vinamilk.
Theo bà Mai Kiều Liên, Vinamilk đã kết hợp với gần 4.000 hộ nông dân TP để cố gắng trong vòng 3 năm tới sẽ tăng được năng suất nhằm giảm giá thành chăn nuôi. Vinamilk xác định không chạy theo số lượng nuôi mà nuôi ít nhưng năng suất cho sữa lớn, giá thành chăn nuôi hạ sẽ tạo thu nhập cho người dân cao hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là con giống và thức ăn. Hiện thức ăn Vinamilk đã sản xuất. Về nguồn giống, Vinamilk có thể hỗ trợ để chuyển đổi đàn bò đã thoái hóa để nuôi bò cao sản dù nuôi ít hơn nhưng người nông dân vẫn có lợi hơn.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.
Cũng theo bà Mai Kiều Liên, do chăn nuôi manh mún, chất lượng giống thấp nên hiện năng suất sữa của người nuôi bò ở Củ Chi rất thấp khoảng 17 - 18 lít sữa/con, trong khi bò sữa nuôi tại trang trại của Vinamilk đạt trên 30 lít/con. Hiện Vinamilk đã nhập bò giống từ Mỹ và New Zealand, sau đó thuần hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam và chuyển giao cho người nuôi nhằm tăng năng suất sữa lên cao. Dự tính giống bò sữa sau khi thuần hóa có giá 50 - 60 triệu đồng/con và trong 2 - 3 năm người nuôi sẽ thu hồi được vốn. Vinamilk khuyến cáo các hộ nông dân nên tập trung lại với nhau để cùng chăn nuôi khoảng tập trung khoảng 50 - 100 con thì hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn.
“Vậy chính quyền TP cần hợp tác gì với Vinamilk?”- Bí thư Đinh La Thăng hỏi. Bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk chỉ mong TP ủng hộ sự hợp tác các bước đi của Vinamilk với bà con nông dân để sản xuất theo mô hình mới là chăn nuôi tập trung, tăng quy mô đàn. Vinamilk sẽ hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản lượng sữa để người dân yên tâm sản xuất. Vì vậy, bắt buộc phải tăng năng suất sản lượng sữa từng con bò để giảm giá thành và cần có lộ trình thực hiện và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP với Vinamilk để hỗ trợ nông dân.
Báo cáo thêm với Bí thư Thành ủy, ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc điều hành vùng phát triển nguyên liệu Vinamilk cho biết, thời gian qua các nhân viên của công ty tại huyện Củ Chi nắm bắt tại đây đã xuất hiện một số băng nhóm bảo kê thu mua sữa, ngăn chặn người dân bán sữa cho Vinamilk và các công ty thu mua sữa khác. Phía công ty đã có văn bản báo cáo lãnh đạo huyện Củ Chi và công an huyện đã vào cuộc.
“Đây là hiện tượng rất nghiêm trọng, Vinamilk mong muốn TP chỉ đạo huyện Củ Chi phải nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp này để bà con nông dân và phía công ty yên tâm” - ông Dũng kiến nghị. Ngay sau đó, Bí thư Thăng đã yêu cầu Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị Công an TP vào cuộc làm rõ.
Thành phố sẽ hỗ trợ nông dân được vay vốn ưu đãi
Đánh giá về đề án của TP và mô hình thí điểm mà bà Liên đề xuất, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - rất hoan nghênh và nói: “Tiền không phải là vấn đề lớn, vấn đề là mô hình thí điểm thuyết phục được nông dân”.
Còn ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GT-VT TP cho biết, hệ thống giao thông cho bà con vận chuyển thành phẩm sữa cũng như việc kết nối đến nhà máy sản xuất sữa của công ty Vinamilk rất thuận lợi, khoảng cách chỉ mất 30 phút xe chạy. Sắp tới phía TP cũng tiếp tục đầu tư, tu sửa hệ thống đường giao thông để sản phẩm sữa của bà con nông dân nhanh chóng đến với nhà máy.
Tiếp nhận ý kiến của các bên, Bí thư Thành ủy cho rằng, tỉ trọng nông lâm ngư nghiệp dù chỉ chiếm 0,84% giá trị sản phẩm mà TP làm ra và đóng góp chỉ 0,04% (trong 8,5%) tăng trưởng của TP nhưng có ý nghĩa rất lớn. Bởi đa số 23.000 hộ nông dân TP đang sống ở những vùng ngoại thành, nhất là tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ trước đây là căn cứ kháng chiến cũ của TP. Và đề án này là một trong những phần việc mà TP phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những người nông dân TP vừa giúp cải thiện về kinh tế cho nông dân các huyện ngoại thành cũng là cách TP đền ơn đáp nghĩa tới nhân dân.
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GT-VT TP khẳng định giao thông đi lại thuận tiện
Đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị Vinamilk phối hợp với TP để có mô hình sản xuất lớn trong chăn nuôi bò sữa. Vinamilk hỗ trợ nguồn giống, công nghệ nuôi, thức ăn cho nông dân và TP sẽ cung cấp cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để nông dân TP yên tâm chuyển đổi đàn bò sữa hiện nay. Phương án này đã được Vinamilk đồng tình và cho rằng đây là giải pháp hiệu quả, lâu dài. Phương án mà bà Mai Kiều Liên đưa ra là nếu chính quyền TP cho người nuôi vay 50% giá trị bò giống thì Vinamilk sẵn sàng cho vay 50% vốn còn lại mà không tính lãi suất và Vinamilk sẵn sàng thực hiện thí điểm.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, nhân dịp năm mới, Bí thư Đinh La Thăng đã chúc mừng những thành tựu mà Vinamilk đạt được trong 40 năm qua và trong năm 2016; đồng thời đánh giá cao những thành tựu đạt được của Vinamilk đạt được trong thời gian qua khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Vinamilk là thương hiệu đem lại tự hào cho doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh với thế giới và được cả thế giới biết đến thương hiệu Vinamilk. Đồng thời, Vinamilk cũng giúp người nông dân Việt Nam tiêu thụ sản phẩm sữa. Công ty phát triển đã kéo theo hàng nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh tiêu thụ được sản phẩm sữa.
Bí thư Đinh La Thăng cũng cám ơn Vinamilk quan tâm hỗ trợ cho nông dân TPHCM sản xuất tiêu thụ sản phẩm sữa và cho biết từ lâu TP đã có ý muốn hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi. Để tăng sản lượng sữa về lâu dài cách tốt nhất là thay đổi con giống cho năng suất cao hơn. Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Vinamilk hỗ trợ người nông dân về giống, công nghệ nuôi và thức ăn, còn TP sẽ hỗ trợ người nông dân chăn nuôi bò vay vốn với lãi suất ưu đãi để thay đổi con giống.
Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP có chỉ đạo để trong quý 1 năm 2017, TP phải hoàn thành đề án đổi và cơ cấu toàn bộ chăn nuôi bò sữa theo quy trình của Vinamilk. Hiện lượng bò sữa của Củ Chi trên 60.000 con, là nơi có đàn bò sữa lớn nhất cả nước. Trong năm 2017, Vinamilk sẽ chọn những hộ nuôi điển hình, có nhiều bò hay dồn đàn bò của các hộ có cùng điều kiện lại với nhau để cung cấp thí điểm giống bò chất lượng cao. Ban đầu có thể chọn các hộ nuôi có số lượng đàn 50 - 100 con để thí điểm trước. Việc làm thí điểm này nếu đạt kết quả tốt sẽ nhân rộng ra đến các hộ chăn nuôi còn lại.
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Vinamilk để “thay máu” toàn bộ đàn bò sữa của TP HCM theo con giống, công nghệ của Vinamik, nhằm đưa năng suất từ 17-18 lít/con/ngày lên trên 30 lít/con/ngày.
Thành công của Vinamilk có vai trò quan trọng của tổ chức Đảng
Bí thư Thành ủy đánh giá với tổ chức Đảng rất mạnh, có gần 500 đảng viên, Vinamilk là điển hình trong việc khẳng định vai trò của Đảng trong một doanh nghiệp vốn Nhà nước. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định: “Tổ chức Đảng tại Vinamilk - một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước hiện chiếm 39% cổ phần - đã thể hiện được vai trò của mình trong phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.