Việt Nam phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải có quyết tâm, và giải pháp đồng bộ để phát triển ngành tôm. Việt Nam phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới, tôm phải đạt 10% GDP quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị tôm tại Cà Mau.
Trong 2 ngày 5 và 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ về thăm và làm việc tại Cà Mau, dự hội nghị về phát triển ngành tôm Việt Nam. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các tỉnh, thành có diện tích nuôi tôm từ Quảng Ninh đến Cà Mau và 53 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu tôm.
Xuất khẩu tôm vượt 2,1 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, tôm nước lợ có vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội, được thả nuôi ở 30 tỉnh, thành ven biển, trở thành ngành mũi nhọn trong ngành thủy sản, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn ở Việt Nam, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đối với ngành nuôi tôm, tôm sú được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1998, tôm thẻ chân trắng du nhập vào Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.
Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đánh dấu sự ra đời của phương thức nuôi tôm công nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Sau 10 năm thực hiện, diện tích nuôi tôm đã tăng gần 3 lần. Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tiễn đã chứng minh con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của nên nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam cũng như nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức là sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Do đó, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ngành nuôi tôm Việt Nam có tiềm năng, lợi thế đặc biệt, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hai hướng. Đó là phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp. Hướng thứ hai là phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm - rừng, tôm - lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có lợi thế về điều kiện sinh thái. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều nếu chúng ta có quyết tâm cao.
Sản xuất tôm: Thập diện mai phục
Tuy nhiên, ngành nuôi tôm Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn do chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, sản xuất con giống. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng và tôm sú bố mẹ. Bên cạnh đó, nông dân còn lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất; hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, công nghệ vùng nuôi quảng canh rất hạn chế và nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên bị rào cản về giá thành sản xuất. Hiện nay, ngành nuôi tôm Việt Nam chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Năm 2016, ngành nông nghiệp ĐBSCL gặp nhiều khó khăn và tôm nuôi đối mặt với nắng hạn, xâm nhập mặn khốc liệt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu có đến 188.000 ha tôm bị thiệt hại. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh hiện đang rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Minh Phú.
Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết năm 2016, doanh nghiệp này xuất khẩu tôm với giá trị hơn 535 triệu USD. Hướng đi của Minh Phú là thành lập doanh nghiệp xã hội, vừa vì mục đích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, kết hợp giữa trồng rừng ven biển và nuôi tôm, nhằm khuyến khích người tiêu dùng "ăn tôm là bảo vệ môi trường".
Các đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành và doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu tôm cũng nêu khó khăn về con giống chưa đáp ứng yêu cầu; thức ăn nuôi tôm giá thành cao; Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm chưa đạt chuẩn nên năng suất chưa cao, còn xảy ra dịch bệnh; qui trình chế biến, bao bì còn nhiều điểm yếu. Các doanh nghiệp cho rằng giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân do giá thức ăn (chiếm 65%), chi phí con giống luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện...
Ông Nguyễn Hoàng Anh, TGĐ Cty Giống Nam miền Trung cho biết: Ngành tôm của Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ manh múng, khó kiểm soát môi trường, dễ gây dịch bệnh, dẫn đến rủi ro cho người nuôi, sản lượng không ổn định. Ông Hoàng Anh đề xuất cần quy hoạch bài bản vùng nuôi tôm. Nơi nào có thế mạnh về giống thì quy hoạch, tỉnh nào phát triển nghề nuôi thì tập trung. Ngoài ra cần quản lý tốt vật tư đầu vào, nhất là thuốc thú y thủy sản, vì thời gian qua thức ăn nuôi tôm ở nước ta vẫn cao nhất thế giới, giá thành sản xuất cũng vậy. Ông Hoàng Anh kiến nghị: Chính phủ cần có tín dụng riêng về lãi suất, thời gian vay phù hợp để thúc đẩy ngành tôm phát triển...
Giấc mơ xuất khẩu 10 tỷ USD
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu Minh Phú đạt 2 tỷ USD vào năm 2021 thì toàn tỉnh Cà Mau có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Còn lại 6 tỷ USD, các tỉnh, thành ven biển có thể chung sức đạt được, để biến giấc mơ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD/năm của ngành tôm Việt Nam thành hiện thực vào năm 2025, chứ không phải năm 2030 như kế hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải có quyết tâm, và giải pháp đồng bộ để phát triển ngành tôm. Việt Nam phải có thương hiệu tôm nổi tiếng thế giới, tôm phải đạt 10% GDP quốc gia. Việt Nam mà trước hết là ĐBSCL phải là thủ phủ tôm của thế giới, Việt Nam phấn đấu trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thời gian qua con tôm đã lớn lên cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Con tôm sú là lợi thế của Việt Nam. Tuy năng suất còn thấp nhưng sản lượng đạt khá cao. Phải đặt mục tiêu con tôm phát triển cao hơn, chất lượng hơn. Theo Thủ tướng, biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng là lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành tôm. Thời gian gần đây, nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả, rất có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái; mô hình nuôi theo 2 giai đoạn, tổ chức liên kết theo chuỗi. Khu vực nuôi tôm quảng canh cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống để có thể tăng năng suất gấp 3-5 lần hiện tại. Ngoài ra, diện tích nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh vùng ĐBSCL cần mở rộng diện tích lên từ 800.000 đến 1 triệu ha.
Chiều 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Cà Mau đang dẫn đầu Việt Nam và thế giới về xuất khẩu tôm.