Sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá cho phù hợp
Theo Bộ Công an, việc triển khai thực hiện Luật Đặc xá trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm được các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Gần 83.000 người được đặc xá
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 8 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước (6 lần đã thực hiện xong); đã đặc xá cho 85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Ngoài 7 lần Chủ tịch nước đặc xá ở trên, trong các năm 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước còn quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và một người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Theo báo cáo của công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trại giam, trong 7 lần đặc xá, tổng số tiền mà những phạm nhân được đề nghị đặc xá và thân nhân của họ đã nộp trong quá trình phạm nhân chấp hành án phạt tù để thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác là hơn 1.059 tỷ đồng và 157.036 USD.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công an trong tổng số 81.795 người được đặc xá (không tính số người được đặc xá của năm 2016 do mới công bố Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước vào ngày 1/12/2016), có 67.644 người đã về đúng địa chỉ cư trú, số còn lại chuyển về cư trú tại địa chỉ khác tại địa phương hoặc chuyển đến địa phương khác cư trú.
Theo báo cáo của công an các địa phương, trong tổng số 82.728 người được đặc xá từ năm 2009 đến nay (không tính số người được đặc xá năm 2016) có 1.007 người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội, chiếm tỉ lệ 1,21%.
Cần sửa đổi cho phù hợp
Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua cho thấy, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá là đúng, phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Việc đề nghị hạn chế thêm một số trường hợp không được đặc xá trong các Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước như: Đồng thời phạm hai tội là: Giết người và cướp tài sản; cướp tài sản và hiếp dâm; cướp tài sản có sử dụng vũ khí; cướp tài sản hoặc cướp giật tài sản có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng…; có một tiền án mà phạm các tội về ma túy, cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản…cũng phù hợp với các quy định của Luật Đặc xá và góp phần hạn chế tình trạng người được đặc xá tái phạm tội, vi phạm pháp luật.
Quá trình thực hiện công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch, không để sót lọt và chưa phát hiện có tiêu cực xảy ra.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá vẫn còn những tồn tại, bất cập, nhất là những bất cập giữa các quy định của Luật Đặc xá với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau này.
Bên cạnh đó công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn còn xảy ra tình trạng người vừa được đặc xá đã tái phạm tội, gây dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc thông báo về người được đặc xá chuyển từ địa phương này đến địa phương khác cư trú còn chưa chặt chẽ.
Do đó, cần thiết phải tổng kết việc thi hành Luật Đặc xá trong 08 năm qua nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại, bất cập, nguyên nhân để rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng như phù hợp với thực tiễn, góp phần để công tác đặc xá ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn.