Khó khả thi
Trung tuần tháng 1/2017, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất: Mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó suốt đời. Người ta biện giải rằng, hiện Hà Nội đang bị quá tải về số lượng xe cá nhân gây ra vấn nạn ùn tắc và TNGT, rằng quy định này là văn minh và đã có nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Có thể vẫn sắm ô tô nhưng để vợ, con, bố, mẹ, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác... đứng tên đăng ký.
Trước tiên hãy bàn đến mục đích cốt lõi của việc đề xuất mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe ô tô. Đó là nhằm giảm áp lực về số lượng cũng như mật độ xe cá nhân lưu thông trên đường gây ra vấn nạn ùn tắc và TNGT - vấn đề lâu nay khiến chính quyền Hà Nội đau đầu mà chưa có lời giải.
Nếu sáng kiến đề xuất trên thực sự đáp ứng được mục đích cuối cùng là giảm, tiến tới xóa bỏ triệt để vấn nạn ùn tắc và TNGT thì quả là quá tốt. Song, vấn đề ở chỗ liệu thực tế có diễn ra như những gì người ta mong muốn?
Dư luận có quyền nghi ngờ tính hiệu quả của sáng kiến do CSGT Hà Nội đề xuất. Thứ nhất, hiện số lượng “đại gia” sở hữu hơn 1 ô tô ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung chưa nhiều.
Nếu tính theo tỷ lệ giữa số người có từ 2 ô tô trở lên với hơn 90 triệu dân thì chỉ là hạt cát giữa sa mạc, hay hạt muối giữa biển khơi bao la.
Khi mà tỷ lệ nhỏ gần như bằng 0 đồng nghĩa với việc đề xuất này quả là không giúp ích gì được cho mục tiêu giảm số lượng, cùng mật độ xe cá nhân lưu thông trên đường gây ra ùn tắc và TNGT.
Thứ hai, cứ cho là có rất nhiều người thừa tiền đến độ không biết tiêu vào việc gì mà chỉ dùng để sắm ô tô làm bộ sưu tập, thì quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký 1 biển số xe ô tô cũng không thể làm khó được họ. Tại sao vậy?
Đơn giản là họ lại có cách để lách “luật” như cách đây khoảng hơn chục năm, khi Hà Nội cấm người dân Thủ đô đăng ký xe máy thứ 2.
Nghĩa là họ có thể vẫn sắm ô tô nhưng để vợ, con, bố, mẹ, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác... đứng tên đăng ký. Chỉ tính theo “quy chuẩn” gia đình Việt Nam hiện có 4 người thì cũng đã có 4 cái ô tô được đăng ký rồi.
Lâu nay ai cũng biết vấn nạn ùn tắc và TNGT ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có ý thức của người tham gia giao thông kém, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhưng nguyên nhân cốt lõi phải kể đến việc quy hoạch thiếu tầm nhìn dẫn đến việc tăng dân số cơ học ngày một lớn.
Chỉ tính riêng TP Hà Nội mỗi năm “phình” thêm số dân bằng một huyện ngoại thành, trong khi hạ tầng giao thông thì “nguyễn y vân”, làm sao mà không quá tải, không gây ùn tắc và TNGT cho được?!
Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hơn một lần nhấn mạnh, nhắc nhở tại các buổi làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội.
Dư luận đặt câu hỏi: Thay vì đưa ra sáng kiến quy định mỗi công dân chỉ được đăng ký một biển số xe ô tô, tại sao Hà Nội không thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là phải có tầm nhìn khi quy hoạch, phải cân nhắc đảm bảo hạ tầng giao thông khi phê duyệt các khu chung cư cao tầng trong nội đô, phải giảm tăng dân số cơ học...
Chỉ cần làm tốt việc cụ thể mà Thủ tướng đã nhắc đó thì cũng đã giảm thiểu được khá nhiều vấn nạn ùn tắc rồi.
Song, nói thì dễ, thực hiện lại vô cùng khó. Vấn đề không ít người biết, hiểu, nhưng tại sao lại vẫn xuất hiện hàng loạt những chung cư cao tầng, các khu đô thị mọc lên như nấm sau mưa rào.
Chẳng vậy thì tại sao lại ngang nhiên xuất hiện những ngôi nhà xây không phép, sai phép rất nghiêm trọng như ở số 8B Lê Trực, để rồi giải quyết mãi chưa xong hậu quả?
Đó là mới bàn đến hiệu quả, giờ mới bàn đến tính hợp hiến của quy định trên. Hiến pháp 2013 quy định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ.
Mọi người có quyền sở hữu về tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất. “Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” - Hiến pháp 2013 nêu rõ.
Tại Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng khẳng định: Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Chiếu theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, nếu cơ quan chức năng không chứng minh hay thuyết phục được dư luận rằng một công dân sở hữu nhiều hơn 1 xe ô tô sẽ làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì sẽ là vi hiến khi đưa ra quy định mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô.
Một khi đã vi hiến thì có cố cưỡng ép thực hiện thì sau một thời gian cũng sẽ bị bãi bỏ. Chẳng phải quy định trước đây của Hà Nội là mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy đã là tiền lệ nhãn tiền không khả thi rồi hay sao?!