Đưa quan hệ Việt-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Lào tới Việt Nam tham dự và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào vào ngày 8/2 tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong cuộc hội kiến chiều ngày 23/11/2016 nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9. Ảnh: VGP.
Với mục tiêu tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tại kỳ họp này, hai bên sẽ đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2016; trao đổi và thống nhất về phương hướng nhiệm vụ hợp tác năm 2017; trên cơ sở đó, ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Trong năm 2016, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục được củng cố, tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu; các tồn tại, hạn chế từng bước được khắc phục; việc thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2016 đã ký giữa hai Chính phủ về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, quan hệ chính trị Việt Nam-Lào ngày càng gắn bó, tin cậy, phát triển và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; có sự đồng thuận cao trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước và việc giữ vững hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam đã hỗ trợ có hiệu quả cho Lào trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2016 và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016. Đặc biệt, các cơ chế hợp tác như cuộc hội đàm thường niên giữa hai Bộ Chính trị, Ủy ban liên Chính phủ (sau khi kiện toàn thêm một bước) tiếp tục phát huy hiệu quả cao.
Hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao trong năm đầu nhiệm kỳ và hoạt động trao đổi đoàn các cấp (trong năm 2016, hai bên trao đổi khoảng 350 đoàn, trong đó có 130 đoàn từ cấp Thứ trưởng trở lên). Đặc biệt là các chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới nhiệm kỳ 2016-2021 của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Bounnhang Volachith tới Việt Nam và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng tới Lào; các chuyến thăm của các đồng chí Bộ Chính trị hai bên đã góp phần đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên một tầm cao mới.
Phối hợp tốt trong hợp tác về quốc phòng-an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào ổn định và phát triển toàn diện; đấu tranh hiệu quả chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý...
Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã hoàn thành; Hiệp định và Nghị định thư liên quan đã được ký kết ngày 16/3/2016. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tăng cường quản lý đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào, góp phần xây dựng cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc hợp tác và phối hợp giữa hai bên trong vấn đề bảo vệ và quản lý biên giới lãnh thổ.
Đầu tư Việt Nam vào Lào tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương Lào; hiện có 408 dự án được cấp phép, tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD (số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào). Trong năm đã có thêm một số dự án lớn được đưa vào vận hành khai thác, nổi bật là việc thuỷ điện Xekaman 1 đã hoàn thành và phát điện; khách sạn Mường Thanh Vientiane được đưa vào sử dụng phục vụ khách Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016.
Hoạt động xúc tiến đầu tư được thúc đẩy, nổi bật là việc Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith gặp gỡ và đối thoại với gần 200 doanh nhân Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào (tháng 10/2016).
Thương mại giữa hai nước được chú trọng, các hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh (“Hội chợ thương mại Việt-Lào năm 2016” tại Thủ đô Vientiane vào tháng 7; Hội nghị Thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ X tại tỉnh Attapeu, Lào vào tháng 9; ký MOU về thành lập website kinh tế-thương mại Việt Nam-Lào tháng 11…); Hiệp định Thương mại song phương mới và Hiệp định Thương mại biên giới được hai bên tích cực phối hợp triển khai (đã tổ chức 2 hội nghị phổ biến vào tháng 7 tại Lào và tháng 8 tại Việt Nam). Các cơ chế ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện; Danh mục các mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0% ngày càng mở rộng.
Kết nối giao thông vận tải giữa hai nước đã có những tiến bộ rõ rệt. Hai bên đã tập trung triển khai có hiệu quả Biên bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải (ký tháng 9/2015), trong đó, hai ngành GTVT đã thống nhất Kế hoạch 5 năm (2016-2020) thực hiện Bản ghi nhớ này; hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Vientiane và ký kết Thỏa thuận về đầu tư xây dựng dự án (tháng 11/2016). Việc tìm kiếm nguồn vốn để triển khai xây dựng các tuyến đường quan trọng khác nối liền hai nước cũng đang được hai bên phối hợp thúc đẩy.
Hai bên đang tiếp tục phối hợp với Nhóm tư vấn của ADB đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” và xem xét khả năng nhân rộng triển khai mô hình này tại các cặp cửa khẩu khác khi có điều kiện...
Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường về số lượng, cải thiện về chất lượng với các phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Lào; các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam được quan tâm đầu tư nâng cấp. Chất lượng học tập lưu học sinh Lào theo diện Hiệp định có chuyển biến tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, số lưu học sinh Lào đang có mặt học tập tại Việt Nam là hơn 14.000 người, trong đó diện hiệp định hơn 3.400 người.
Hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các Ủy ban Quốc hội, đoàn thể và các tổ chức nhân dân... tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện linh hoạt, hiệu quả và thiết thực thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, ký kết các biên bản hợp tác. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa, bảo tàng, du lịch… được hai bên quan tâm chú trọng;
Quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Các dự án ODA của Việt Nam dành cho Lào về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của tiến độ đề ra với 2 dự án đã hoàn thành, chất lượng đáp ứng được yêu cầu đề ra, gồm: Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp - tỉnh Xiengkhuang; Đài Phát thanh Truyền hình tại tỉnh Oudomxay...
Về phương hướng hợp tác năm 2017: Triển khai thực hiện tốt nội dung các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; tăng cường quan hệ chính trị và trao đổi đoàn dưới nhiều hình thức theo hướng thiết thực, hiệu quả; hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác về vấn đề kiều dân; phối hợp tổ chức tốt các sự kiện nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào.
Chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào ổn định và phát triển toàn diện; đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá, chia rẽ mối quan hệ giữa hai nước
Tăng cường kiểm tra dọc tuyến biên giới, tại các cửa khẩu, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; ngăn chặn và xử lý việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, nạn buôn lậu, vận chuyển ma túy, mua bán người và những vấn đề tiêu cực khác nảy sinh tại địa bàn biên giới hai nước; xem xét triển khai bổ sung một số dự án hợp tác phát triển trọng điểm (bản, cụm bản phát triển) tại Lào, phối hợp làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, củng cố và phát huy vai trò của các dự án đã hoàn thành; khẩn trương hoàn thành các thủ tục đối nội, đối ngoại để triển khai, phổ biến, tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào và đầu tư của doanh nghiệp Lào vào Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những vùng khó khăn của Lào; có chính sách hỗ trợ thiết thực trên tinh thần quan hệ đặc biệt giữa hai nước đối với các doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn; kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào để có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào được thuận lợi và hiệu quả. Việt Nam tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp Lào, trong đó có Dự án đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La sang Lào.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Hiệp định thương mại mới và Hiệp định thương mại biên giới; phối hợp nghiên cứu và xây dựng Đề án Tổng thể phát triển Thương mại Việt Nam-Lào giai đoạn 10 năm (2017-2026); tìm kiếm giải pháp cần thiết thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước; phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tăng 10% so với năm 2016.
Tiếp tục triển khai tốt Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về kết nối giao thông vận tải Việt Nam-Lào; đẩy mạnh việc triển khai dự án Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane; tiếp tục phối hợp tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án giao thông quan trọng mang tính chiến lược cho sự phát triển của cả hai nước; nghiên cứu nhân rộng mô hình “một cửa một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu đủ điều kiện
Phối hợp nghiên cứu phương án nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Lào-Việt Nam theo hướng tăng tính chủ động cho phía Lào; Chính phủ hai nước xem xét khả năng sửa đổi, bổ sung Thoả thuận sử dụng cảng Vũng Áng để phía Lào khai thác cảng Vũng Áng hiệu quả hơn trong tình hình mới.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và cùng phối hợp với các nước Tiểu vùng sông Mekong trong việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”; ký Nghị định thư về hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai nước (thay thế Nghị định thư đã hết hạn); thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Việt tại Lào; khuyến khích cán bộ Lào học tiếng Việt và cán bộ Việt Nam học tiếng Lào; khuyến khích các địa phương có chung đường biên giới và các địa phương kết nghĩa tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ và đào tạo ngôn ngữ để phục vụ yêu cầu công tác.
Chính phủ Việt Nam dành 1.000 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; Chính phủ Lào dành 60 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Việt Nam sang học tập tại Lào theo chương trình đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn.
Khuyến khích các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và các doanh nghiệp hai bên hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh; phía Việt Nam tiếp tục dành sự hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình cho các bộ, ngành, địa phương của Lào; hoàn thành việc xác định địa điểm xây dựng công trình Công viên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Vientiane.
Hai bên nâng cao hiệu quả quản lý, tiếp tục đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào bảo đảm chất lượng, tiến độ, tuân thủ đúng các quy định hiện hành; hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung (hoặc thay thế) Thỏa thuận về Quy chế tài chính và Quản lý dự án viện trợ trong năm 2017.