Tài liệu mật cho thấy IS đang mất nhiều chiến binh nước ngoài

08/02/2017 08:35

Một số tài liệu của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà lực lượng an ninh Iraq thu giữ được mới đây cho thấy tín hiệu các chiến binh nước ngoài của chúng đang dần lục đục nội bộ và không muốn chiến đấu trên các chiến trường nữa. Thông tin được công bố giữa lúc tổ chức khủng bố này đang dần suy yếu.

Lực lượng quân đội Iraq tại thành phố Mosul. (Nguồn: Reuters).

Một phiến quân đến từ Bỉ có một giấy khám sức khỏe cho thấy bị đau lưng và không tham gia chiến đấu, một chiến binh đến từ Pháp nói muốn rời khỏi Iraq để thực hiện một vụ tấn công tự sát ở nước nhà, ngoài ra là nhiều yêu cầu khác mong muốn được chuyển tới chiến đấu ở Syria trong khi số còn lại từ chối chiến đấu…

Tất cả trường hợp trên đều nằm trong số tài liệu bí mật của đơn vị Tariq Bin Ziyad của IS - gồm các chiến binh nước ngoài - được lực lượng quân đội Iraq phát hiện sau khi họ chiếm được một căn cứ của tổ chức này gần thành phố Mosul hồi tháng trước.

Vào lúc đỉnh điểm, IS đã thu hút hàng nghìn chiến binh nước ngoài mỗi tháng và kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ Iraq và những binh lính nước ngoài đến từ hàng chục quốc gia khác nhau lúc bấy giờ được mô tả như những chiến binh liều mạng nhất của chúng. Tuy nhiên, hiện nay, IS liên tục để mất lãnh thổ và tầm ảnh hưởng.

Tổ chức này hiện đang bị dồn vào chân tường ở rìa phía Đông thành phố Mosul, nơi từng là thành phố lớn nhất mà chúng kiểm soát và là trái tim của cái mà chúng gọi là “Nhà nước Caliphate”. Tuy nhiên, hàng loạt thất bại trên chiến trường của IS lại khiến giới chức châu Âu lo ngại rằng các chiến binh nước ngoài của chúng sẽ tìm cách trở về nước.

“Anh ta không muốn chiến đấu mà chỉ muốn trở về Pháp” - một tài liệu của Is viết về một chiến binh 24 tuổi công dân Pháp gốc Algeria, có đoạn - “Anh ta nói sẽ thực hiện chiến dịch trong nước Pháp. Anh ta báo cáo là bị bệnh nhưng lại không có giấy chứng nhận y tế”.

Được biết, Pháp là nước có công dân gia nhập hàng ngũ IS nhiều nhất châu Âu, tính từ năm 2011, khi phong trào nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria biến thành bạo lực, khơi mào cho sự trỗi dậy của các băng nhóm cực đoan.

Chính phủ Pháp đã đưa ra một báo cáo cho thấy đà giảm mạnh số lượng công dân của họ di chuyển tới Syria và Iraq để gia nhập IS trong nửa đầu năm 2016, nhưng vẫn cho biết, có khoảng 700 công dân Pháp đang chiến đấu ở hai nước này, trong đó có tới 275 phụ nữ.

Số tài liệu này được đánh dấu từ năm 2015 nhưng dường như vẫn được tiếp tục bổ sung vào trong năm 2016. Ngoài ghi chú về tên tuổi, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, nhóm máu và khả năng sử dụng vũ khí của mỗi chiến binh, các tài liệu này còn liệt kê danh tính vợ, con và “nữ nô lệ” mà mỗi chiến binh sở hữu.

Trong số tài liệu này, có 2 trường hợp chiến binh đến từ Kosovo từ chối chiến đấu và yêu cầu được chuyển tới Syria. Một trong hai người này nại lý do anh ta bị đau đầu.

Trong số hơn 4.000 chiến binh nước ngoài từng rời khỏi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để đến Iraq và Syria, có khoảng 1/3 đã trở về nước, theo báo cáo của Trung tâm Quốc tế chống Khủng bố có trụ sở tại Hague, Hà Lan. Khoảng 14% đã được xác nhận tử trận, trong khi số còn lại vẫn đang ở nước ngoài hoặc không rõ tung tích.

“Trước đây nhiều người từng cho rằng chiến binh nước ngoài là có động lực chiến đấu cao nhất, nhưng giờ đã có vô số chiến binh loại này nhận ra rằng IS không như họ mong đợi” - Aymenn al-Timimi, chuyên gia phân tích các nhóm phiến quân, nói với hãng Reuters.

IS thường xuyên lưu giữ các sổ sách, tài liệu ghi chép, và sau khi tài liệu này bị lực lượng an ninh Iraq thu giữ đã hé lộ ra hoạt động bên trong của tổ chức này. Lực lượng chống khủng bố Iraq đã phát hiện ra một số tài liệu quan trọng trong một căn nhà tại quận al-Andalus, thành phố Mosul.

Theo Đại tá Muhanad al-Tamimi, chỉ huy đơn vị, họ đã thu giữ được chúng ngay khi bắt gặp một nhóm phiến quân IS đang bê chúng ra khỏi căn nhà cùng một số máy tính khác.

“Chiến binh nước ngoài là những chiến binh khó nhằn nhất mà chúng tôi từng phải đối phó” - ông al-Tamimi cho hay - “Khi số chiến binh này từ chối chiến đấu, có nghĩa rằng họ đã nhận ra rằng tổ chức này là giả tạo và không phải thứ mà họ đã tìm kiếm”.

Được biết, lực lượng quân đội Iraq đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ phía IS ở Mosusl trong những tháng đầu tổ chức chiến dịch tái chiếm, chủ yếu do các đòn tấn công bằng bom xe. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian tạm ngừng để tái tổ chức lực lượng, quân đội Iraq đã đạt được nhiều thắng lợi ở rìa phía Đông thành phố này trong năm nay.