Doanh nghiệp vẫn 'ém' thông tin
Chỉ có 38,87% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) công bố thông tin doanh nghiệp, đó là chưa nói việc thông tin thực hiện công bố không đầy đủ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 4/9 loại báo cáo… Báo cáo do Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện về việc tình hình thực hiện công bố thông tin DNNN gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cho thấy những khoảng trống về độ minh bạch thông tin của doanh nghiệp.
380 DNNN “trốn” công bố thông tin
Theo quy định, DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ có 241/620 doanh nghiệp (chiếm 38,87% số doanh nghiệp) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp tại địa chỉ http://www.business.gov.vn.
Trong số 380 doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.
Bản báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chỉ mặt điểm tên các doanh nghiệp không công bố. Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 2 doanh nghiệp , Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có 6 doanh nghiệp, Tập đoàn Cao su Việt Nam có 4 doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số81/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên trong tổng số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định bao gồm kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2016 – 2020), kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016, báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba (03) năm gần nhất tính đến năm báo cáo, báo cáo tài chính 2015, báo cáo tiền lương thưởng…thì phần lớn các doanh nghiệp trong số 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin không thực hiện đầy đủ. Tính ra trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 4/9 loại báo cáo.
Cụ thể chỉ có 74 doanh nghiệp công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020; 164 doanh nghiệp công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016; 125 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; 173 doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới năm 2015; 176 doanh nghiệp công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng.
Đặc biệt, dù năm tài chính 2015 đã khép lại được 2 năm song chỉ có 116 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015, chiếm 48,13% trong tổng số 241 doanh nghiệp đã báo cáo.
Xử lý trách nhiệm với cá nhân
Việc công bố công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo kỳ vọng, tạo ra một công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Việc giám sát tốt hoạt động của các doanh nghiệp này góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Điều 23 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cũng quy định “Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định này đồng thời phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng. Thế nhưng, thực trạng công khai minh bạch của DNNN xem chừng không được thực hiện nghiêm túc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các viên chức quản lý doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước vi phạm các quy định về công bố.