Xây dựng nhà ở xã hội '100 triệu đồng': Khó khả thi
Nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ngày càng trở nên bức thiết đối với người lao động, người thu nhập thấp sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trước thông tin TP HCM sẽ học hỏi tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà ở xã hội, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khẳng định, doanh nghiệp ủng hộ cách nhìn mới của thành phố trong việc phát triển nhà ở giá rẻ, song thành phố mà áp dụng giống Bình Dương là chưa phù hợp với thực tế của TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh muốn học hỏi Bình Dương xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng.
Phải đáp ứng nhu cầu số đông
“TP Hồ Chí Minh có thể học hỏi tỉnh Bình Dương xây dựng nhà ở xã hội 100 triệu đồng nhưng không thể rập khuôn mà phải phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Đại Đoàn Kết ngày 7/2.
Giới kinh doanh địa ốc cũng phân tích, tỉnh Bình Dương làm được nhà giá rẻ vì tỉnh này có qũy đất lớn. Ngoài ra, với một diện tích lớn xây dựng Thành phố mới Bình Dương thì việc Becamex xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, so sánh về điều kiện thuận lợi trong kế hoạch phát triển nhà ở giá rẻ, Bình Dương có lợi thế thực hiện sớm khi thị trường xây dựng chưa tăng cao.
Cụ thể, căn hộ 30m2 có giá 100 triệu đồng được thực hiện 4 năm trước. Giờ đây một căn hộ 30m2 có gác lửng cũng ở mức tối đa 163 triệu đồng/căn. “Dựa trên tất cả yếu tố phát triển căn hộ giá rẻ của tỉnh Bình Dương mà áp dụng cho thành phố thì độ chênh quá lớn. TP HCM không có các yếu tố nào giống như Bình Dương”, đại diện một số doanh nghiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, kế hoạch phát triển nhà ở giá rẻ 30m2 từ 10 năm trước không được thành phố chấp nhận. TP HCM thực hiện theo cách riêng và tiến hành rải rác. Kết quả, chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp của thành phố bị phá sản vì không đáp ứng nổi 50.000 căn/năm. Sắp tới thành phố có thực hiện xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích 30m2 số lượng căn hộ này cũng chỉ dao động ở mức vài chục ngàn căn. Đồng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu TP HCM xây dựng nhà ở giá rẻ như Bình Dương thì chỉ xây dựng ở các nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè,…
Ngặt nỗi, ở các vị trí này đất yếu, giao thông kết nối kém, thậm chí không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng không. Như vậy sẽ không thu hút người dân tìm đến sinh sống. Trường hợp, xây dựng trong nội thành thử hỏi được bao nhiêu căn? Ông Châu dẫn chứng, dự án nhà ở xã hội trên đường Tô Hiến Thành có 108 căn, trong đó chủ yếu dành cho cán bộ cấp phó phòng trở lên, người thu nhập thấp không mua được.
Lãnh đạo HoREA cho hay, nếu áp dụng xây dựng nhà ở xã hội giống tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng được khoảng 15.000 – 20.000 căn hộ có giá 100 – 160 triệu đồng là hết quỹ đất. Câu hỏi đặt ra, ai là người may mắn mua được căn hộ giá rẻ đó? “TP HCM có thể học hỏi Bình Dương xây dựng nhà ở xã hội nhưng không thể rập khuôn mà phải phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Thiết nghĩ, chính sách nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội phải đáp ứng nhu cầu số đông người dân chứ không chỉ giải quyết cho một tỷ lệ rất ít người dân nhập cư”, ông Châu nhấn mạnh.
Gỡ rào cản chính sách
Theo thông tin từ HoREA, TP HCM có 13 triệu dân, trong đó có 23% là dân nhập cư chính vì vậy nhu cầu nhà ở là rất lớn. Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM thông tin, đến cuối năm 2016 thành phố chỉ mới hoàn thành 12 dự án nhà ở xã hội trên tổng số 51 dự án đã chấp thuận. Hiện thành phố đang triển khai 39 dự án nhà ở xã hộ với 48.000 căn hộ. Dự kiến, phải đến năm 2020 mới có khoảng 30.000 căn nhà ở xã hội hoàn thành, trong đó 60% được bán, 20% giữ lại để cho thuê.
Không chỉ là các điều kiện cần để phát triển nhà ở giá rẻ cho người dân TP Hồ Chí Minh, khi kêu gọi doanh nghiệp chung tay thực hiện chủ trương này, chính quyền địa phương cần chú trọng rút ngắn quy trình thủ tục. Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành kiến nghị: “Thủ tục chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội mất đến 25 tháng. Hoàn thành thủ tục xây dựng dự án khác mất mấy năm. Thành phố cần cải cách hành chính riêng cho lĩnh vực đầu tư nhà ở với thời gian làm thủ tục từ 6 tháng đến 1 năm là tốt nhất. Có cải cách thủ tục nhanh gọn mới mong chương trình phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thành công”.
Liên quan đến việc tạo lập chính sách thông thoáng, thúc đẩy phát triển nhanh nhà ở giá rẻ, ông Nguyễn Văn Đực mong muốn, thành phố thành lập chuyên ban phụ trách vấn đề này. Ban chuyên trách này có thẩm quyền duyệt hồ sơ và ra lệnh cho sở - ngành liên quan thực hiện. Như vậy mới xóa bớt rào cản chính sách cho doanh nghiệp.
Với đặc thù của đô thị đặc biệt, giá nhà ở tại TP HCM không giống như các địa phương khác. Tại TP HCM, nhà ở giá rẻ ở mức 400 – 700 triệu đồng đã là tuyệt vời. Riêng đối với những căn hộ diện tích nhỏ 25m2 thì giao động ở mức từ 300 - 350 triệu đồng. Để có giá 300 - 350 triệu đồng/căn hộ 25m2 rất cần những chính sách hỗ trợ đi kèm của thành phố về quỹ đất hay việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) |