Nhiều phản biện vẫn mang 'màu sắc' góp ý
Một năm qua đi với nhiều ý kiến phản biện sắc sảo, HĐTV về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đã góp phần to lớn vào thành công chung trong công tác Mặt trận của năm 2016. Tuy nhiên, theo GS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ và Pháp luật, để có thêm nhiều ý kiến phản biện sắc sảo từ các hội đồng tư vấn cần có sự phân biệt giữa góp ý và phản biện bởi nhiều nội dung liên quan đến công tác phản biện vẫn mang “màu sắc” góp ý.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường, ấn tượng lớn nhất của HĐTV về Dân chủ và Pháp luật trong năm 2016 là những góp ý, phản biện vào các dự án Luật. Đối với Bộ Luật Hình sự, sau khi phát hiện có nhiều lỗi, HĐTV đã góp ý rất sâu sắc. Những đóng góp về Luật Hội hay Luật Tự do Tín ngưỡng tôn giáo HĐTV cũng phản biện nhiều ý kiến được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chấp nhận.
Cụ thể, trong năm 2016 mặc dù HĐTV về Dân chủ và Pháp luật đảm nhận một khối lượng công việc lớn nhưng Hội đồng đã tổ chức 7 hội nghị tham gia góp ý, phản biện đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: Góp ý Đề án thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện; Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam; Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý; Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Đề án tái hòa nhập cộng đồng; Nghị quyết liên tịch về hướng dẫn Quy trình hiệp thương, giới thiệu ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Tham gia hội nghị phản biện xã hội về Luật Hội do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức.
Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm HĐTV đã phân công một số thành viên Hội đồng tham gia đoàn Giám sát công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 tại một số tỉnh, thành phố như: Bến Tre, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Ngoài ra, một số thành viên HĐTV cũng tham gia khảo sát tại Lào Cai và cũng đã có ý kiến trao đổi giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực phát huy dân chủ, tham gia góp ý, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Ngọc Đường, trong hoạt động của HĐTV về Dân chủ và Pháp luật năm 2016, những nội dung liên quan đến công tác phản biện chưa tốt lắm, còn mang “màu sắc” góp ý nhiều hơn phản biện.
Trong năm 2017, Giáo sư Trần Ngọc Đường khẳng định, HĐTV mong muốn những dự thảo, văn kiện nào cần phản biện phải nói rõ để Hội đồng có thêm thời gian bố trí chuyên gia, bố trí những người am hiểu sâu sắc có sự chuẩn bị công phu hơn.
“Lâu nay chúng ta không có sự phân biệt dự án nào mang tính phản biện, dự án nào mang tính góp ý, đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có sự phân biệt giữa góp ý và phản biện để chất lượng phản biện tốt hơn. Ví dụ, về Luật Hội nếu được giao cho Hội đồng chúng tôi có thời gian chuẩn bị chắc chắn sẽ có thêm nhiều ý kiến phản biện sắc sảo”, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ và pháp luật khẳng định.
Hiện nay, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kí kết phối hợp với nhiều cơ quan, Bộ, ngành theo Giáo sư Trần Ngọc Đường, mong muốn của HĐTV về Dân chủ và Pháp luật không chỉ dừng lại ở việc phối hợp giữa Ban Thường trực với các cơ quan đó mà nên có sự phối hợp giữa các Hội đồng của Mặt trận với các cơ quan tương ứng.
Ví dụ, phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Hội đồng Dân chủ và pháp luật tương ứng với Ủy ban Pháp luật hoặc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
“Nên chăng cho chúng tôi có sự phối hợp với Ủy ban Pháp luật cũng như Ủy ban Tư pháp về một số vụ việc hoặc một số dự án để chúng tôi có điều kiện đóng góp ý kiến của mình nhiều hơn nữa. Với những cuộc họp cần thẩm tra các dự án Luật nếu như Hội đồng chúng tôi được mời cùng tham gia thì chắc chắn chúng tôi sẽ có những đóng góp rất thiết thực cho các Ủy ban của Quốc hội”, Giáo sư Đường nêu ý kiến.
Vừa qua, HĐTV Dân chủ và pháp luật được tham dự Hội nghị giao ban cụm tại tỉnh Lào Cai, nhìn nhận từ chuyến đi này, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, hoạt động của Mặt trận các địa phương hết sức sôi động.
“Hội đồng Dân chủ và Pháp luật của một số tỉnh rất muốn có sự phối hợp với Hội đồng Dân chủ và Pháp luật trên Trung ương để vừa tham mưu vừa giúp đỡ, trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm trong giám sát, phản biện và góp ý. Nếu như trong năm 2017 làm được những việc như thế thì những hoạt động của các Hội đồng sẽ phong phú hơn, tốt hơn rất nhiều”, Giáo sư Trần Ngọc Đường khẳng định.