Nhật Bản cam kết khoản đầu tư 'siêu khủng' trên đất Mỹ
Thủ tướng Shinzo Abe, người từng cam kết đưa đất nước Nhật Bản trở lại thành một quốc gia tươi đẹp, sắp có chuyến công du tới Mỹ với hứa hẹn sẽ hỗ trợ Tổng thống Donald Trump làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” bằng nhiều cam kết đầu tư và việc làm.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tại Tokyo hồi tuần trước. (Nguồn: AP).
Ông Shinzo Abe dự kiến sẽ tới Washington vào ngày 10/2 tới đây để tham dự cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump, và đồng hành cùng ông là hàng loạt các đề xuất mà trong đó các công ty Nhật sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cùng khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD trên đất Mỹ.
Thủ tướng Abe đã đưa ra tín hiệu muốn thắt chặt quan hệ với vị tân Tổng thống của nước Mỹ, đồng thời mong muốn xóa bỏ những hiểu lầm của ông Trump về hoạt động thương mại của Nhật. Ông Trump từng nói rằng Nhật và Trung Quốc không đối xử công bằng với các công ty của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất xe hơi.
“Tôi mong muốn giải thích rằng không phải chỉ có một bên đang hưởng lợi mà cả hai bên cùng hưởng lợi. Đó là một tình thế cùng có lợi” - Thủ tướng Abe nói.
Thủ tướng Abe đã không bỏ lỡ thời gian để thắt chặt quan hệ với Tổng thống Trump, trở thành vị lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp gỡ ông này ngay sau khi đăc cử. Kể từ đó, ông Abe cũng mong muốn tổ chức cuộc gặp với ông Trump trong tuần mà ông thực hiện lễ nhậm chức vào Nhà Trắng, tuy nhiên Thủ tướng Anh Theresa May lại là người đầu tiên làm điều đó.
Nhật Bản bấy lâu nay không chỉ lo lắng về mối quan hệ đồng minh với nước Mỹ, kể từ khi ông Trump đặt ra nhiều câu hỏi về các đồng minh châu Á, mà còn về quan hệ kinh tế. Mỹ và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba trên thế giới, đều đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận mà ông Trump rút khỏi ngay khi vào Nhà Trắng.
Bởi vậy, thay vì TPP, ông Abe hiện đang có một kế hoạch có tên “Khởi xướng thúc đẩy tăng trưởng và công ăn việc làm Mỹ-Nhật”, đưa ra 5 lĩnh vực hợp tác kinh tế trong đó bao gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng, tự động hóa và trí thông minh nhân tạo bên cạnh nhiều lĩnh vực khác như Internet và không gian.
Với đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá lên tới 450 tỷ USD tại Mỹ, Nhật Bản sẽ tạo ra cho nước này khoảng 700.000 công ăn việc làm, theo các giới truyền thông Nhật.
Đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng mà Nhật đưa ra sẽ bao gồm các dự án đường sắt tốc độ cao ở khu vực Đông Bắc Mỹ, Texas và California. Nhật cũng sẽ giúp nước Mỹ thay thế 3.000 tàu hỏa và xe điện ngầm. Hiện nay họ đang cố đàm phán xây dựng tuyến tàu hỏa siêu nhanh nối giữa Baltimore và Washington, và hàng loạt dự án tàu siêu tốc khác tại Texas và California.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, Nhật Bản sẽ hợp tác sâu rộng với nước Mỹ trong các dự án xây dựng nhà máy điện hiện đại và các hệ thống điện nguyên tử mới nhất của họ. Thủ tướng Abe cùng với ông Akio Toyoda, Giám đốc điều hành Tập đoàn Toyota Motor, hồi tuần trước đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc họp thượng đỉnh này.
Sau khi Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Toyota trong việc xây dựng một nhà máy ở Mexico để chế tạo mẫu xe Corolla cung cấp cho thị trường Mỹ, hãng này đã tuyên bố lại về kế hoạch của mình, trong đó cam kết đầu tư 600 triệu USD cùng 400 công ăn việc làm cho một nhà máy tại bang Indiana, quê hương của Phó Tổng thống Mike Pence.
Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư Hưu trí của chính phủ Nhật (GPIF), quỹ lớn nhất thế giới với trị giá tài sản 1,2 nghìn tỷ USD, đang chuẩn bị đầu tư 150 tỷ USD ở Mỹ. Quỹ này dự kiến sẽ mua lại khoản nợ của các công ty Mỹ, theo hãng tin Nikkei của Nhật.
GPIF vốn chỉ tập trung các khoản đầu tư của mình vào trái phiếu chính phủ Nhật, nhưng theo chỉ thị của ông Abe, trong 3 năm qua họ đã mua nhiều cổ phiếu của các công ty trong nước.
Các đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh phần lớn người dân Nhật cho rằng mối quan hệ giữa nước họ và Mỹ sẽ xấu đi dưới thời chính quyền Trump, theo các thăm dò mới đây. Bản thăm dò gần đây nhất của tờ Mainichi Shimbum cho thấy 56% người dân Nhật cho rằng quan hệ Mỹ-Nhật sẽ xấu đi, trong khi 29% cho rằng nó sẽ vẫn như cũ.
Mối lo ngại này xuất phát từ hàng loạt các phát biểu mà Tổng thống Trump đưa ra hồi tuần trước, trong đó cho rằng Nhật và Trung Quốc đang thao túng thị trường.
“Các bạn hãy nhìn vào những gì mà Trung Quốc và Nhật Bản đã làm trong nhiều năm qua” - ông Trump nói trong một cuộc họp với các hãng dược phẩm hồi tuần trước - “Họ thao túng thị trường tiền tệ, và chúng ta ngồi như những kẻ ngốc”.
Giới chức tài chính và chính quyền Nhật Bản sau đó đã lập tức phản ứng bằng cách đưa ra tuyên bố khẳng định rằng đó là các nỗ lực của họ nhằm kéo nước nhà ra khỏi tình trạng lạm phát kéo dài suốt 2 thập kỷ, chứ không nhằm hạ giá đồng Yen.