Dồn sức cho nông nghiệp

Thúy Hằng 09/02/2017 09:00

Ông Phạm Duy Hiếu, CEO quỹ đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam nhận định, nông nghiệp là một trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh để có thể đầu tư thúc đẩy mang lại hiệu quả vượt trội. Nông nghiệp công nghệ cao cũng là xu hướng chính mà các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài, trong nước đang hướng vào đầu tư.

Doanh nghiệp hào hứng

Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam, do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Người đứng đầu Chính phủ đã chọn lĩnh vực nông nghiệp khởi động đầu năm, cho thấy đây không đơn thuần là một kế hoạch làm việc mà xa hơn, nông nghiệp là một lĩnh vực luôn luôn được được coi trọng. Chưa hết, Thủ tướng còn yêu cầu nâng gói tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.

Trước đó Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, dù thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ dựa trên lợi thế so sánh của Việt Nam là bức thiết.

Thế mạnh ở kinh doanh thép, nhưng lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát khẳng định, đầu tư nông nghiệp đang theo đúng kế hoạch dự tính ban đầu. Mảng thức ăn chăn nuôi đã đi vào hoạt động và đang chuẩn bị hoàn thiện nhà máy thứ 2 tại KCN Long Khánh, tỉnh Đồng Nai với công suất tương đương 300.000 tấn/năm. Năm 2017 Hòa Phát tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy thứ 3 tại Phú Thọ với công suất tương tự để phục vụ cho khu vực Tây Bắc.

Còn với Thaco? Một doanh nghiệp đình đám trong lĩnh vực lắp ráp kinh doanh xe ô tô,Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng chia sẻ, công ty sẽ bắt tay vào xây dựng mô hình trồng lúa công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tại một tỉnh phía Bắc.

Việc nhiều doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế hào hứng và quyết tâm tham gia đầu tư vào nông nghiệp được kỳ vọng mở ra chương mới trong phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao ở Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, cả nước có 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 10 khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, theo thống kê hiện cả nước mới chỉ có 22 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trong số hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn và ưu đãi đầu tư công nghệ, trong khi đây lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Sự ra đời câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao có thể mở ra hi vọng mới hơn cho nông nghiệp thời hội nhập.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cũng từng nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân.

Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp Giai đoạn mới muốn phát triển nông nghiệp chỉ có con đường duy nhất là ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Duy Hiếu, CEO quỹ đầu tư phát triển công nghệ Việt Nam, trả lời Đại Đoàn Kết, nhu cầu ngày càng gia tăng với sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đóng góp 20% vào GDP nhưng tỷ trọng doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư ngày càng giảm, chỉ chiếm 1% năm 2014, tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2016 giảm so với cùng kỳ 2015.

Theo ông Hiếu, các căn bản chỉ ra được nông nghiệp là một trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh để có thể đầu tư thúc đẩy mang lại hiệu quả vượt trội, đồng thời thị trường rộng lớn và nhu cầu ngày càng nóng đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm được đầu tư bài bản. Nông nghiệp công nghệ cao cũng là xu hướng chính mà các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài đang hướng vào đầu tư.

Được biết trong tháng 3/2017, việc sửa đổi nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng gấp rút được hoàn thành. Các chính sách thu hút đầu tư thời gian tới sẽ “đột phá” và “sát thực tiễn” để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.

Thúy Hằng