Áp lực tăng thuế
Vài ngày qua dư luận băn khoăn về ý định tăng thuế môi trường lên mức 8.000 đồng/lít xăng của Bộ Tài chính. Đây là mức tăng không hề nhỏ. Lý giải về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lần này đối với xăng dầu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, tăng thu thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập khi các dòng thuế bị cắt giảm.
Tuy nhiên, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, công nghiệp, nông nghiệp, đánh bắt cá,… đều sử dụng rất nhiều. Và, cứ 1 lít xăng, người sử dụng phải mất thêm 8.000 đồng vậy số tiền thuế môi trường cho xăng dầu là bao nhiêu?
Theo tính toán, trung bình một tháng Việt Nam tiêu thụ khoảng 3.750 triệu lít xăng và 7.500 triệu lít dầu các loại. Đồng nghĩa số lượng xăng dầu tiêu thụ mỗi năm là 135.000 triệu lít. Chi rất nhiều tiền để đóng thuế môi trường nhưng mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Đó là chưa kể các loại xe khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được tính thuế theo dung tích xe, tiêu chuẩn khí thải,... Vậy mà khi mua xăng người dân tiếp tục phải trả thuế môi trường tức là đang phải đóng thuế chồng thuế.
Thực tế cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng doanh nghiệp vận tải không chịu áp lực sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ. Kết quả doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người dân chịu thiệt hại thêm một lần nữa.
Một lý do khác để tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là nhằm tăng nguồn thu ngân sách vì thời gian tới hàng loạt hàng rào thuế quan được cắt giảm ngân sách khó khăn. Thế nhưng điều đáng nói là hội nhập kinh tế đang tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng thị trường sang các nước.
Doanh nghiệp các nước đã, đang và rất hồ hởi chờ đợi một nền kinh tế thế giới không biên giới với hàng loạt kế hoạch phát triển. Doanh nghiệp Việt không nằm ngoài quỹ đạo phát triển chung. Doanh nghiệp Việt đang phải loay hoay củng cố, xây dựng sức mạnh để cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác thì lại phải cõng một mức thuế không hề nhỏ, đó là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang tăng và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, chi phí sử dụng đường bộ của doanh nghiệp vận tải và các chi phí cho người lao động cũng tăng, VCCI cho rằng việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan để không bị tác động xấu đến nền kinh tế, phúc lợi xã hội.