Đưa lễ hội vào nề nếp: Mất bao lâu?

Minh Hà 09/02/2017 08:00

Lễ hội năm 2017 đang bước vào mùa. Trong khi nhiều tồn tại ở những mùa lễ hội trước chưa thể giải quyết ngay; những quan điểm về việc gìn giữ nghi lễ của lễ hội truyền thống vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều, Bộ VHTT&DL cho hay sẽ quyết tâm đưa lễ hội vào nề nếp, hướng tới việc ứng xử văn minh trong lễ hội. Nhưng dư luận cũng đang băn khoăn: Phải mất bao lâu nữa để lễ hội đi vào nề nếp?

Lễ hội chùa Bái Đính.

Hạn chế việc phục dựng lễ hội thái quá

Về việc siết quản lý lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: Năm 2017, nhiều lễ hội đã được các cơ quan chức năng vào cuộc và đã có chuyển biến. Đơn cử như lễ hội đập đầu trâu (Yên Bái), chém lợn (Bắc Ninh)… đã được chỉ đạo quyết liệt để năm nay không còn hiện tượng phản cảm. Theo bà Hương, người dân sẽ còn tiếp tục theo dõi và quan tâm tới lễ hội, cũng như kết quả việc đưa lễ hội vào nề nếp của các cơ quan chức năng.

Dẫu thế, việc tổ chức và quản lý lễ hội chỉ trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước. Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ, cơ quan quản lý nhà nước hiện cũng đang đứng trước nhiều cái khó, như quản lý về việc ứng xử thế nào, hạn chế thế nào những hành động phản cảm?... Rõ ràng là không thể cấm được việc đi lễ vì đây là nhu cầu của dân, là những lễ hội xã hội hóa, do dân quyết định… mà chỉ có thể tìm cách điều chỉnh thế nào cho nó hạn chế những phản cảm, nhức nhối. Còn trên thực tế, không phải lễ hội nào cũng để lại những điều không đẹp như đã thấy.

Trước những ý kiến trái chiều về việc thực hành nghi lễ dân gian, truyền thống trong lễ hội hôm nay, TS Nguyễn Quốc Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo chia sẻ: Trước đây, chúng ta từng loại bỏ các nghi lễ ra đời sống xã hội. Nhưng giờ đây với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, những lễ hội truyền thống đã được hồi phục một cách mạnh mẽ. Song cũng có những sự khôi phục một cách thái quá.

Theo ông Tuấn, ở đây là nói về hành vi lệch chuẩn. Đơn cử như hành vi của nhà sư ở chùa Hương (Hà Nội) vừa rồi là tung lộc, nhưng ở đây có thể gọi là ném lộc, như vậy không đúng. Dẫu thế cũng cần phải hết sức thận trọng khi nhận định, chứ không nên ào ào phê phán niềm tin tôn giáo thông qua những hành vi lệch chuẩn. Còn về việc ứng xử với lễ hội hiện nay, ông Tuấn cho rằng chúng ta quên đi rằng, đời sống con người phải tuân theo chuẩn mực dựa trên giá trị cốt lõi, đó là giá trị tâm linh, tôn giáo. Nếu khôi phục lễ hội không cẩn thận sẽ có hiện tượng tam sao thất bản và lúc đấy chúng ta phải hành xử như thế nào đối với một nghi lễ chưa hoàn thiện?

Theo các chuyên gia, việc phục dựng lễ hội một cách thái quá, hơn nữa khi lễ hội đã nhuốm màu thực dụng rồi thì khó mà tránh được sự lộn xộn. Và điều gì không đẹp thì diễn ra như đã thấy.

Trước chủ trương qui hoạch lễ hội, đưa lễ hội vào nề nếp, GS.TS Nguyễn Chí Bền đã bày tỏ: Trong số hơn 8.000 lễ hội trên cả nước đã thống kê lâu nay, có cả lễ hội truyền thống và lễ hội mới. Những lễ hội mới nhằm thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Do đó, nếu có qui hoạch tức là qui hoạch những lễ hội mới chứ không nên đề cập đến những lễ hội truyền thống- mà ở đó chủ yếu là hội làng, do cộng đồng tự bảo tồn và gìn giữ. Việc thêm, bớt lễ hội nào cũng nên nhìn nhận theo hướng đó sẽ khách quan hơn.

Qui hoạch thế nào?

Trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017 Bộ VHTT&DL đã tổ chức tọa đàm về ứng xử văn minh trong lễ hội với sự tham gia của các địa phương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Tại đó các đại biểu đều thống nhất quan điểm là hướng tới xây dựng bộ khung về qui tắc ứng xử trong lễ hội, trong đó sẽ có qui định ứng xử của Ban tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội, ứng xử của cộng đồng địa phương với người tham gia lễ hội.

Đây sẽ là qui định khung để các địa phương, ban quản lý lễ hội xây dựng qui định cụ thể, yêu cầu người tham gia lễ hội thực hiện ở địa phương… Nhưng có lẽ việc ban hành bộ qui tắc ấy cũng không thể làm ngay trong một sớm một chiều.

Trong khi yêu cầu về qui hoạch lễ hội toàn quốc cũng được đặt ra đã lâu. Một trong những nội dung mà dự thảo qui hoạch đề cập là sẽ thực hiện giảm qui mô, tần suất của lễ hội. Thậm chí, loại bỏ những lễ hội không phù hợp. Nhưng cho đến thời điểm này, dự thảo qui hoạch lễ hội đang bị coi là… bế tắc.

Giới nghiên cứu phân tích, lễ hội dân gian do cộng đồng làng xã tạo dựng nên. Nó xuất phát từ nhu cầu, ước vọng của từng người dân, của cộng đồng đó từ ngàn đời truyền lại đến nay. Mỗi cộng đồng, mỗi lễ hội đều có những đặc tính riêng, lễ hội là dân giã, đông vui, náo nhiệt. Lễ hội không phải là một cuộc duyệt binh phải chỉnh tề, đúng khuôn phép. Vì thế hãy để người dân, cộng đồng đã sản sinh ra lễ hội đó tự làm việc này.

Cụ thể, theo GS Trần Lâm Biền: Lễ hội tồn tại là tự thân nó, nếu không phù hợp nó sẽ tự loại bỏ, không ai được tự cho mình cái quyền bỏ lễ hội này, thêm lễ hội kia.

Nhưng ngược lại cũng có những người cho rằng, qui hoạch lại lễ hội để lập lại trật tự trong hoạt động tâm linh là cần thiết. Quản lý và tổ chức lễ hội cần phải có sự thay đổi trong tư duy và cách thức cho phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý đến yếu tố xã hội. Xã hội thế nào thì lễ hội sẽ như thế. Cần phải tổ chức đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về lễ hội để phổ biến tới các địa phương và người dân. Từ đó có những mô hình điển hình trong tổ chức và quản lý lễ hội để các địa phương học hỏi và áp dụng vào thực tiễn của địa phương mình.

Quan tâm đến việc đưa lễ hội vào nề nếp, dư luận cũng thực sự băn khoăn về tính khả thi của việc qui hoạch lễ hội. Bởi càng ngày càng có nhiều di tích được “lên đời”: di tích cấp địa phương trở thành di tích cấp quốc gia; di tích quốc gia được thăng hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Gắn với những di tích ấy là lễ hội hoặc không gian văn hóa lễ hội. Vì thế mà chính quyền địa phương và cộng đồng nơi có di tích, di sản được phong danh luôn muốn tổ chức lễ hội cho xứng tầm. Đây chính là bài toán khó trong quá trình tổ chức và quản lý lễ hội hiện nay.

Minh Hà