Chờ và đợi
Liên tiếp trong vòng 6 ngày qua có tới 5 vụ cháy xe, trong đó có 4 xe khách khiến người dân hoang mang lo lắng. Không sợ sao được khi nhiều xe khách đang lưu hành bỗng nhiên bốc lửa, trong khi xu hướng dùng phương tiện vận tải công cộng đang được khuyến khích. Vấn đề ở chỗ, mặc dù đã xảy ra khá nhiều vụ cháy xe các loại, nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự chỉ ra được nguyên nhân cốt lõi gây cháy, khiến người dân chỉ còn biết chờ và đợi trong nơm nớp lo sợ.
Ôtô cháy rụi trên cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Mới sáng qua đã xảy ra vụ cháy xe khách giường nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn ngang qua địa bàn Quảng Nam (địa phận xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn).
Trước đó đúng 1 ngày, ngày 7/2 trên tuyến đường tránh thị trấn Đức Phổ (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), xe khách BKS 43B-019.36 do tài xế Lê Văn Minh (SN 1972) điều khiển chở 4 nhân viên nhà xe và 10 hành khách chạy từ TP HCM về Đà Nẵng, bỗng nhiên phát nổ rồi bốc cháy.
Chưa hết, vào ngày 3/2, xe khách BKS 81B-010.96 chạy tuyến Gia Lai - Quảng Bình đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, đến địa phận xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thì bốc cháy.
Chưa đầy 24 giờ sau, ngày 4/2, xe khách 29 chỗ BKS 66B-004.16 khi lưu thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng bất ngờ bốc cháy.
Việc liên tục xảy ra hàng loạt vụ ô tô đang lưu thông trên đường trong thời gian qua bỗng nhiên bốc cháy mà đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến người dân vô cùng hoang mang. Nhiều người bắt đầu e dè không muốn sử dụng phương tiện vận tải là xe khách mỗi khi phải di chuyển từ điểm này đến điểm khác.
Người ta ngại ngần, lo lắng là bởi các cơ quan chức năng chưa thực sự tìm ra được nguyên nhân khiến hàng loạt các loại xe bỗng dưng phát hỏa.
Người xưa chẳng từng nói “tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (biết mình biết người, trăm trận trăm thắng), nếu thực sự biết nguyên nhân gây cháy xe ô tô thì chủ phương tiện hay tài xế còn biết cách phòng tránh để đảm bảo an toàn cho hành khách. Nhưng nếu mù tịt không biết nguyên nhân gây cháy thì làm sao có thể phòng tránh, do vậy tính mạng của hành khách có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Theo các kỹ sư chế tạo ô tô thì nguyên nhân gây cháy khá nhiều, trong đó không loại trừ nguyên nhân từ chất lượng xăng dầu, lái xe không thực hiện đúng quy trình điều khiển phương tiện, xe cũ nát, hoặc chạy liên tục dẫn đến quá tải...
Do vậy nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là phải chỉ ra được nguyên nhân gây cháy trong từng trường hợp cụ thể thì mới có thể đưa ra các giải pháp phòng tránh.
Với những chiếc xe cũ nát thì việc hở hay đứt dây điện dẫn đến chập cháy thì còn dễ hiểu. Song, có những chiếc xe “mới toanh” cũng vẫn cứ tự nhiên bốc cháy khiến người ta chẳng biết đằng nào mà lần.
Thông thường mỗi khi xảy cháy thì người ta chỉ nghĩ ngay đến trách nhiệm của chủ xe hoặc lái xe, mà hầu như không thấy nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan đăng kiểm chiếc xe ấy. Để tránh trách nhiệm, một số cơ quan đăng kiểm cho rằng khi kiểm tra xe do các dây điện nằm trong ngõ ngách nên không kiểm tra được, nên có thể dây điện hở dẫn đến chập gây cháy.
Ô hay, việc đảm bảo chiếc xe tuyệt đối an toàn khi lưu thông trên đường là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, vậy tại sao có thể nói dây điện trong ngóc ngách không thể kiểm tra được? Xét về mặt lý thuyết, dù là xe cũ hay mới một khi đã được cơ quan đăng kiểm “gật đầu” cho lưu thông thì phải đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối, không thể có chuyện chập điện gây cháy được.
Đến cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn vận hành của phương tiện mà còn bó tay thì sao có thể đổ trách nhiệm đó lên đầu chủ xe và lái xe được?
Chất lượng nhiên liệu xăng dầu cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy. Nếu xe khách sử dụng dầu diesel tái chế cũng rất nguy hiểm. Độ nhớt trong dầu tái chế cao dẫn đến ống gioăng hở, bị ăn mòn, hơi rò rỉ ra, khiến cho động cơ nóng gây ra cháy.
Một tiến sĩ khoa học chỉ ra rằng, khi nhiên liệu được pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON – chỉ số octan trong xăng như pha xăng A83, naphtha condensat để gian lận thành A92, A95 cũng có thể là nguyên nhân gây cháy xe ô tô. Trong trường hợp này nếu có ai phải chịu trách nhiệm thì phải là các công ty phân phối và bán lẻ xăng dầu.
Tóm lại là dù vì nguyên nhân gì gây cháy thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm (trừ trường hợp nguồn lửa bắt nguồn từ lái xe hoặc hành khách).
Đơn cử là cơ quan đăng kiểm phải phát hiện được những lỗi kỹ thuật của xe ô tô khi chủ xe đưa đến đăng kiểm, hoặc khuyến cáo chủ xe những điều nên làm và không nên làm để đảm bảo an toàn tuyệt đối không dẫn đến cháy nổ, gây nguy hiểm cho hành khách.
Còn các doanh nghiệp xăng dầu phải kiểm soát tốt được nguồn cung để đảm bảo chất lượng nhiên liệu. Tin rằng, nếu các cơ quan này làm tròn nhiệm vụ của mình thì tình trạng xe ô tô đang lưu thông trên đường bỗng dưng bốc cháy sẽ được hạn chế rất nhiều.