Năm 2017: Cử nhân thất nghiệp sẽ bớt 'nóng'?
Hiện Bộ LĐTB&XH đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cao sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel... Liệu đây có thực sự là giải pháp mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao cho những người trình độ đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang thất nghiệp?
Những năm gần đây tỷ lệ thất nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng.
Năm 2017: tăng 200.000 cử nhân thất nghiệp
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, trong năm 2016 đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu người, tăng 1% so với năm 2015, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,5 triệu người, tăng 0,3% và xuất khẩu lao động trên 126.000 người, tăng 9,6% so với thực hiện năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,3%; trong đó khu vực thành thị là 3,18%, khu vực nông thôn là 1,86%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác lao động năm 2016 khi giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn khó khăn. Quí III/2016, cả nước có khoảng 202.000 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp. Công tác tuyển sinh học nghề, tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề, phân luồng học sinh còn nhiều hạn chế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề ở mức thấp.
Theo dự báo của Bộ LĐTB&XH, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tiếp tục gia tăng, hơn 200.000 người so với năm 2016.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cử nhân thất nghiệp gia tăng trong những năm gần đây, ông Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Kinh tế không tăng trưởng thì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Bên cạnh đó do chúng ta đã cung cấp nhân lực không phù hợp với thị trường lao động, đào tạo chưa gắn đến quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Lỗi này cũng không chỉ do ngành Giáo dục mà bởi thiếu dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực, thiếu quy hoạch tổng thể.
Trách nhiệm của ngành Giáo dục khi chất lượng đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Điều này tác động đến việc sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.
Đẩy mạnh XKLĐ nguồn nhân lực chất lượng
Ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, chính là nguyên nhân khiến cử nhân thất nghiệp gia tăng trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó sự yếu kém trong công tác dự báo thị trường lao động cũng là nhân tố của thực trạng “càng học cao... càng thất nghiệp”.
Để giải bài toán này bên cạnh việc “xốc” lại hệ thống giáo dục thì cũng cần thiết phải tìm hướng đi mới trong việc điều tiết thị trường lao động. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đạt những kết quả đáng khích lệ về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài song thực tế hoạt động xuất khẩu lao động vẫn chỉ là “chạy theo số lượng” số lao động đi làm việc phần lớn là lao động phổ thông và quanh quẩn ở những thị trường truyền thống có mức lương thấp.
Về vấn đề này đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới, không chỉ làm nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn là một trong những giải pháp trước mắt giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định.
“Bộ đang giao Cục Quản lý Lao động ngoài nước và các đơn vị liên quan gấp rút xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất”- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, dự thảo cũng đưa ra một số ngành nghề dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu lao động sang một số thị trường trong thời gian tới. Cụ thể, xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản và CHLB Đức; công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, sinh học, nông nghiệp sang Nhật Bản; cơ khí sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu, Trung Đông; đầu bếp, công nghệ thông tin, điện tử đi Hàn Quốc. Ngoài những thị trường trên, Bộ cũng đang xúc tiến khai thác các thị trường mới như Slovakia, Cộng hòa Czech, Israel...
Mặc dù Đề án này mới đang là dự thảo xong theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam bởi hiện có rất nhiều nước chưa có chính sách tiếp nhận lao động phổ thông, mà chỉ ưu tiên tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn. Đồng thời đây cũng là hướng đi tháo gỡ cho tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay.