Trí thức kiều bào là nguồn lực quốc gia
Việc kết nối, trọng dụng sự đóng góp của các chuyên gia, trí thức kiều bào về nước cống hiến, phục vụ quá trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là một mục tiêu lâu dài, cần phải được đưa vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trí thức kiều bào tại buổi gặp gỡ.
Đó là quan điểm được đưa ra tại chương trình gặp gỡ chuyên gia trí thức kiều bào, với chủ đề “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017” do Bộ KH-CN, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) đồng phối hợp tổ chức ngày 9/2 tại TP HCM.
Chương trình có sự tham gia của hàng chục chuyên gia, trí thức kiều bào, giới nghiên cứu, nhà quản lý trong nước.
Tại buổi gặp gỡ, TS khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, hiện có trên 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thuộc nhiều thế hệ, trong đó có khoảng 10% có trình độ khoa học và công nghệ cao trên các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước.
Theo TS Khải, nếu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tận dụng được nguồn lực vô cùng to lớn này thì đất nước sẽ có thêm một nguồn nội lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành mũi nhọn của hội nhập như công nghệ phần mềm, công nghệ cao. TS Khải cũng lưu ý đến con số hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam đang du học tại các nước.
Do đó, nếu “thảm đỏ” thực sự hấp dẫn thì chắc chắn những nhân tài này sẽ tự nguyện về nước cống hiến trên các lĩnh vực cơ bản.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV cho biết, số lượng trí thức kiều bào có trình độ CĐ, ĐH hiện vào khoảng 400.000 người là một vốn rất quý của quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, hiện hàng năm mới chỉ có 200 – 300 lượt chuyên gia về nước là một thực tế còn rất khiêm tốn. Do đó, theo Đại sứ Bình thì cần phải có giải pháp, cũng như cơ chế phù hợp, hấp dẫn được nhân tài gốc Việt hơn nữa để tận dụng tốt được nguồn lực này.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN nhìn nhận, Việt Nam đang khuyến khích phong trào khởi nghiệp, trong đó các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM đang phát huy hiệu quả phong trào trên. Riêng năm 2016, năm đầu của phong trào khởi nghiệp thì trên cả nước đã có hơn 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, dù số lượng các doanh nghiệp mới cho thấy hiệu quả bước đầu của phong trào nhưng cũng cần nhấn vào chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới,….
Tất cả những điều này là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hội nhập và sức cạnh tranh ngày càng lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Vinh (Kiều bào Hoa Kỳ) nhấn mạnh, có thể thấy những điểm sáng ban đầu khi nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là khối giáo dục – đào tạo đã thu hút được số lượng các giáo sư, chuyên gia kỹ thuật ở khắp nơi trên thế giới về công tác và cống hiến.
Từ kinh nghiệm thực tiễn này, có thể nghiên cứu các cơ chế phù hợp để thu hút nhiều hơn nguồn lực trí thức kiều bào về nước, từ đó xây dựng cộng đồng mạng để phát huy tổng hợp sức mạnh để phát triển đất nước.
Theo ông Vinh, trước sự phát triển của internet và mạng viễn thông trên thế giới hiện nay thì cần phải tận dụng các lợi thế của nó để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân lực qua mạng toàn cầu.
Tại chương trình gặp gỡ, đại diện các chuyên gia, trí thức kiều bào đang sinh sống và làm việc tại TP HCM cũng chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của mình sau thời gian quyết định về nước cống hiến.
Đa số các ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước cần có các cơ chế ngày càng sát hơn nữa với thực tiễn, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn trong trọng dụng nhân tài để vừa tận dụng được sự đóng góp của trí thức kiều bào, vừa ngăn được thực trạng chảy máu chất xám đã xảy ra tại một số địa phương như thời gian qua.