Trăn trở bảo tồn quan họ hát canh
Kể từ sau khi quan họ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2009), việc bảo tồn di sản quan họ và công tác tổ chức hội Lim cũng được cộng đồng quan tâm tới nhiều hơn. Bởi hát canh quan họ truyền thống giờ đây đã không còn xuất hiện nhiều như xưa.
Hát quan họ ở hội Lim năm 2017.
Chính hội là ngày 13 tháng Giêng nhưng du khách thập phương đã trẩy hội Lim sớm trước đó 1, 2 ngày. Và 3 địa điểm thuộc tổng Nội Duệ xưa gồm là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã tổ chức khai hội Lim từ ngày 12 tháng Giêng.
Một trong những hoạt động chính của hội Lim là các hình thức hát quan họ ở tại cửa đình, chùa, dưới thuyền, trên đồi Lim, tại các gia đình nghệ nhân…
Theo ghi nhận, lễ hội Lim 2017 có nhiều đổi mới vì cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây mới một số hạng mục như xây dựng lại quảng trường đồi Lim và các công trình phụ trợ được lát đá khang trang, sạch đẹp hơn.
Do đó các nhóm hát quan họ không phải căng bạt lên thành các chòi hát như mọi năm, thay vào đó là các chòi hát đã được bê tông hoá khá đẹp mắt…
Đến hội Lim với mong muốn cảm nhận được cái hay cái đẹp của quan họ, nhưng theo nhận xét của nhiều người, nhiều năm rồi hội Lim hầu như không đáp ứng được mong mỏi của du khách bốn phương, khi nghe hát quan họ trên chiếc thuyền nhỏ, trong một không gian nhỏ.
Trước khi có chòi hát Lim, những năm trước trên đồi Lim hàng chục chiếc lều tạm được dựng lên, mỗi lều gồm đại diện 1 làng quan họ thi nhau hát qua loa phóng thanh. Như thế còn đâu sự tinh tế, tao nhã thắm thiết tình người của quan họ?…
Trong khi di sản quan họ chính là nghi lễ hát canh. Những người tham gia canh hát vừa phải có lưng vốn vài trăm bài, biết ca đủ lối đủ câu vừa tinh tường nghề chơi, hiểu sâu sắc mọi phong tục lẫn sự cầu kỳ trong phép tắc ứng xử, giao tiếp.
Nói như một nghệ nhân quan họ của làng Diềm, muốn chơi quan họ phải cần có đủ 8 chữ là “vang rền nền nảy” trong cách ca, và “lời ăn nết ở” trong cách làm người quan họ.
Trong canh hát, các anh hai, chị hai ngoài việc thuộc bài để ứng đối còn phải có tài nói năng, giao tiếp sao cho lịch thiệp, tao nhã, tế nhị.
Khi nói phải “năm thưa mười gửi”. Đầu câu nói phải có tiếng “dạ”, hết câu phải có tiếng “ạ”. Cách xưng hô phải thực sự quý trọng bạn, luôn khiêm nhường, dù nhiều tuổi hơn, trình độ vốn liếng dày dặn hơn nhưng vẫn phải xưng em hoặc chúng em và gọi bạn là anh, chị…
Cho đến bây giờ, những canh quan họ truyền thống đã ít còn xuất hiện. Thế nhưng cứ dịp đầu xuân, trong các tiết lễ hội làng, đình đám, những anh hai, chị hai ở Diềm, ở Bịu hay một số làng quan họ vùng Lim còn nặng lòng với nghề chơi vẫn cố công duy trì một vài canh hát mộc theo lề lối như một cách bày tỏ tấm chân tình với những vị khách “sành” quan họ phương xa và quan trọng hơn là để bảo tồn, gìn giữ vốn cổ quý hiếm của di sản văn hóa quan họ. Hẳn những canh hát này sẽ khó thấy ở những chòi hát Lim trong lễ hội Lim.
Sau khi quan họ vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, 7 năm qua một chiến lược bảo tồn di sản quan họ cũng đã được đưa ra.
Bộ VHTT&DL cùng Viện Âm nhạc, Sở VHTT&DL Bắc Ninh, Bắc Giang… thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ di sản quan họ: Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kê dân ca quan họ định kỳ từng năm; hoàn thiện danh sách nghệ nhân; xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, hoàn thiện tư liệu, kết quả nghiên cứu, phân loại và hệ thống tư liệu, tổ chức các liên hoan quan họ Bắc Ninh hai năm một lần; xây dựng đồi Lim thành trung tâm văn hóa quan họ; tổ chức ở lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) thành hội đối đáp, hát thi quan họ; khôi phục hình thức hát thờ ở hội làng Viêm Xá (TP Bắc Ninh) để bảo tồn các giọng lề lối của quan họ Bắc Ninh, thành lập Hiệp hội nghệ nhân quan họ... Nhiều năm qua, Bắc Ninh cũng sớm có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ nghê nhân “giữ lửa” quan họ ở địa phương.
Nhưng quảng bá quan họ trong khuôn khổ một lễ hội như cách lâu nay vẫn làm, rõ ràng chưa thực sự tôn vinh được giá trị của di sản văn hóa mà UNESCO ghi nhận; đồng thời cũng chưa giúp cho du khách trẩy hội “ngấm” tinh thần của nghi lễ quan họ hát canh.