An Giang: Nông dân điêu đứng vì doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn?
Những ngày qua, hơn chục hộ dân nuôi cá tra theo chuỗi liên kết ở tỉnh An Giang gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ việc chủ Cty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An – Tafishco, trụ sở ở tỉnh An Giang ôm tiền cá của dân bỏ trốn, trong khi đó ngân hàng lại quay sang siết nợ những người nuôi cá…
Số cá tra còn lại của các hộ dân đang chết dần vì không có tiền mua thức ăn.
Có hay không chủ doanh nghiệp ôm tiền cá bỏ trốn?
Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng, nhiều hộ dân cho rằng, năm 2014, chuỗi liên kết nuôi cá tra từ sản xuất, tiêu thụ đến chế biến, xuất khẩu được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang là tín hiệu vui cho ngành cá tra ĐBSCL là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và của chính quyền địa phương nhằm vực dậy ngành cá tra. Cụ thể, sau hơn 2 năm thực hiện nuôi cá tra theo chuỗi, nông dân An Giang vui mừng vì cá tra có lãi và đầu ra ổn định....
Tuy nhiên, đến giữa tháng 11/2016 các hộ dân tá hoả khi biết tin vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ Trinh là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An-Tafishco (gọi tắt là Cty Thuận An) là thành viên trong chuỗi liên kết đã rời khỏi địa bàn đến nay không rõ đi đâu. Có nguồn tin nói họ đã bỏ trốn ra nước ngoài, ôm theo số tiền trên 120 tỷ đồng.
Cũng từ thời gian đó đến nay, các hộ nông dân nuôi cá tra theo chuỗi liên kết đã gửi đơn đến rất nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.
Ông Nguyễn Văn Phu, người nuôi cá trong chuỗi liên kết cho biết: “Tôi có khoảng 4 ha tham gia vào chuỗi liên kết. Hai vụ cá đầu có lời khoảng 1.000 đồng/kg, có lúc lời đến 2.000 đồng/kg vì giá cá không ổn định.
Tuy nhiên đến vụ thứ 3, khoảng tháng 8-2016, sau khi giao cá cho Cty Thuận An khoảng 1.500 tấn cá tra, những tưởng Cty Thuận An đã giao tiền cho ngân hàng, nhưng sau khi ngân hàng thông báo đến cá nhân tôi thời gian trả nợ với số tiền hơn 20 tỷ đồng thì mới biết Cty Thuận An chưa trả tiền cho ngân hàng.
Chúng tôi tìm đến Cty thì không thể liên hệ được với chủ doanh nghiệp. Đến thời điểm đầu năm 2017, thì có thông tin chủ Cty Thuận An đã bỏ trốn. Chúng tôi nợ tiền thức ăn và con giống của doanh nghiệp, nhưng chúng tôi đã trả nợ bằng cá tra cho doanh nghiệp rồi. Nay, ngân hàng lại đòi tiền nữa. Ngân hàng phải đòi doanh nghiệp mới đúng chứ, sao lại đòi người nuôi cá?…”.
Theo nguồn tin mà phóng viên nắm được, Cty Thuận An là doanh nghiệp chế biến phụ phẩm thủy sản (bột cá, mỡ cá). Đến đầu năm 2001, công ty đầu tư vào nuôi trồng chế biến thủy sản xuất khẩu với việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh An Giang, ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
Nông dân không đồng tình việc phải trả nợ ngân hàng
Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng, các hộ dân nuôi cá khẳng định rằng, thời gian tham gia vào chuỗi liên kết, những nông dân đã thực hiện đúng, đủ trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình, sử dụng đồng vốn hợp lý, thế chấp tài sản đúng quy định, cá sau khi lớn chỉ bán cho Cty Thuận An.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp là thành viên trong chuỗi cho biết: “Căn cứ theo nguyên tắc của chuỗi liên kết thì: Ngân hàng Agribank An Giang thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo hoá đơn mua thức ăn nuôi cá thông qua đặt hàng của chúng tôi.
Sau thời gian 7 tháng, chúng tôi phải bán cá cho Cty Thuận An và phần vốn đầu tư ban đầu của hộ nông dân được Cty Thuận An thanh toán cho chúng tôi, phần vốn mua thức ăn mà Agribank đã giải ngân thì Cty Thuận An phải có trách nhiệm thanh toán cho Agribank và Agribank thực hiện việc khấu trừ này cho người dân nuôi cá.
Trong quá trình thu nợ thì Agribank An Giang cũng tự thực hiện với Cty Thuận An thu nợ thông qua tài khoản chúng tôi mở tại Agribank An Giang.
Trên thực tế 2 năm qua, hoạt động này diễn ra đúng quy trình, ngân hàng cũng làm điều này. Nhưng nay xảy ra trường hợp chủ Cty Thuận An ôm tiền bỏ trốn thì ngân hàng lại quay sang đòi tiền chúng tôi, làm vậy sao được”.
Ông Lê Quang Vinh, ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Thanh, huyện Châu Thành cũng bức xúc nói: “Chúng tôi là những người nuôi cá được UBND tỉnh An Giang lựa chọn tham gia vào chuỗi liên kết, có văn bản hẳn hoi.
Chính quyền địa phương lựa chọn doanh nghiệp. Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi thiệt hại hàng tỉ đồng, đời sống khó khăn. Khoản nợ này Cty Thuận An phải chịu trách nhiệm trả cho Ngân hàng Agribank An Giang, vì chúng tôi đã trả tài sản là cá cho Công ty Thuận An rồi”.
Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Học, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, là hộ nuôi cá cho rằng: Sở dĩ xảy ra trường hợp như thế này là do địa phương và ngân hàng chọn doanh nghiệp không đủ tầm và đủ tâm, theo ông Học, doanh nghiệp này đã mất cân đối năng lực tài chính 3 năm nay.
Vai trò giám sát của ngân hàng quá lỏng lẻo. Ngành chức năng quản lý như thế nào để xảy ra tình trạng doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn, giờ ngân hàng lại quay sang siết nợ nông dân?
Ông Học cũng như những hộ dân khác mong muốn chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương xem xét giải quyết quyền lợi cho người nuôi cá.