Chấm điểm người đứng đầu
Để hình ảnh cán bộ đẹp lên trong mắt nhân dân, rất nhiều địa phương đã chủ động để dân chấm điểm cán bộ. Để nêu gương cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, một số địa phương đã thí điểm để cán bộ đánh giá, chấm điểm “sếp” của mình. Việc cán bộ cấp dưới đánh giá cấp trên một cách công tâm không chỉ giúp cán bộ cấp trên hoàn thiện mình mà cốt lõi vẫn là hiệu quả công việc.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện quy định về việc chấm điểm, xếp loại người đứng đầu các sở, ban ngành và chính quyền trực thuộc trong thi hành công vụ.
Ảnh minh họa.
Chủ trương này không những góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, mà còn giúp các địa phương giải quyết thành công nhiều việc mới, việc khó.
Phân tích lý do tại sao Bắc Giang lại chủ động “đương đầu” với một việc khó khăn như vậy Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Không ít cơ quan, đơn vị, địa phương hoạt động chệch choạc, hiệu quả thấp.
Sự yếu kém này có nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu là do người đứng đầu chưa phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thật sự là “đầu tàu”, tình trạng năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành còn hạn chế là thực tế. “Có người đứng đầu khi “yên vị” thì xao nhãng nhiệm vụ, khoán trắng công việc cho cấp dưới, sinh quan liêu, không nắm vững thực trạng cơ quan, đơn vị mình.
Thậm chí có không ít hiện tượng người đứng đầu tranh thành tích, đẩy khuyết điểm cho tập thể, và vẫn giữ chức vụ cho đến hết nhiệm kỳ…”.
Rõ ràng, “đầu tàu” yếu làm sao kéo được cả đoàn tàu. Chúng ta đã nghĩ ra nhiều cách đánh giá, chấm điểm từng hạt nhân nằm khắp các “toa tàu”, trong khi mấu chốt quan trọng “đầu tàu” lại bỏ qua. Việc đánh giá, chấm điểm cán bộ chủ chốt, người đứng đầu là không thể thiếu nếu muốn có một tập thể vững mạnh.
Muốn đánh giá đúng người được chấm điểm phải căn cứ vào nhiều yếu tố mà yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả công việc. Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Bùi Ngọc Sơn cho biết, việc chấm điểm sẽ căn cứ vào nhiệm vụ chung và nhiệm vụ riêng. Có 5 nhiệm vụ chung tối đa là 300 điểm. Tổng điểm nhiệm vụ riêng tối đa là 400 điểm...
Để tránh sự “duy tình” trong cách đánh giá, việc tính điểm sẽ được định lượng từ những nhiệm vụ, việc làm cụ thể tại đơn vị. Chẳng hạn, với những nhiệm vụ hoàn thành cả về thời gian và khối lượng thì tính điểm tối đa.
Những nhiệm vụ hoàn thành cả về thời gian và vượt khối lượng từ 10% đến dưới 30% thì cộng thêm 1 điểm; từ 31% đến dưới 50% cộng thêm 2 điểm; từ 51% đến dưới 70% cộng thêm 3 điểm; từ 70% trở lên cộng thêm 5 điểm. Hoàn thành về thời gian và đạt 70% đến 100% khối lượng = 70% điểm tối đa...
Không chỉ có điểm cộng, căn cứ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, rất nhiều điểm trừ được chấm nếu cán bộ chủ chốt không hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chẳng hạn, cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa thực hiện cơ chế một cửa hoặc thực hiện không đúng quy định về bộ TTHC hoặc cấp huyện có xã chưa thực hiện thì trừ 20 điểm.
Cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện không đúng quy định về văn hóa công sở, để cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền phê bình (bằng văn bản) thì trừ 20 điểm.
Nếu tham mưu ban hành văn bản sai sót phải sửa đổi thì trừ 5 điểm. Nếu phải đình chỉ thi hành thì trừ 10 điểm. Trái quy định phải hủy bỏ thì trừ 20 điểm…
Bị Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở phê bình (bằng văn bản) mỗi lần như vậy trừ 10 điểm. Các nội dung trình phiên họp UBND tỉnh mà không được thông qua trừ 10 điểm.
Tập thể lãnh đạo mất đoàn kết thì trừ 30 điểm. Có công chức, viên chức thuộc quyền vi phạm kỷ luật phải xử lý buộc thôi việc trừ 20 điểm; cảnh cáo trừ 15 điểm; khiển trách trừ 10 điểm.
Vi phạm an toàn giao thông và quy định khác, mỗi lần như vậy trừ 10 điểm. Vi phạm về sử dụng ngân sách, bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và kết luận có sai phạm về tiền, tài sản thì trừ 20 điểm.
Để nợ đọng vốn xây dựng cơ bản thì cứ 10 tỷ đồng trừ 10 điểm. Nơi nào chưa ban hành tiêu chí để đánh giá xếp loại người đứng đầu (kể cả cấp xã) hoặc ban hành nhưng không thực thi thì trừ 20 điểm…
Với những tiêu chí rõ ràng như vậy, qua một thời gian thí điểm đánh giá người đứng đầu, Bắc Giang đã thu được những kết quả bước đầu đó là: Hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm được đăng ký trong năm đều được người đứng đầu, đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu đăng ký.
Rất nhiều nhiệm vụ khó như giải phóng mặt bằng một số dự án lớn đều được giải quyết nhanh chóng, không có khiếu nại, khiếu kiện xảy ra trên địa bàn.
Chấm điểm người đứng đầu không chỉ được thực hiện ở Bắc Giang, hiện Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã gặt hái được nhiều thành công từ thí điểm đánh giá cán bộ chủ chốt.
Sau nhiều nỗ lực năm 2015 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bà Rịa-Vũng Tàu đã vượt lên từ vị trí 24 lên 18 nhờ dân chấm điểm, cán bộ cấp dưới đánh giá cán bộ cấp trên. Còn với Đà Nẵng, đây là địa phương rất nhiều năm liền đứng ở vị trí số 1 về năng lực cạnh tranh.
Có được thành tích không hề dễ này là nhờ chính quyền Đà Nẵng không ngừng cải cách hành chính, không ngại việc mới, việc khó, sẵn sàng để dân chấm điểm cán bộ, cán bộ cấp dưới đánh giá cấp trên, để chính quyền ngày càng hoàn thiện hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Để chấm điểm người đứng đầu ngày càng hiệu quả thiết thực, việc chấm điểm phải được định lượng từ khối lượng công việc cụ thể giúp cán bộ cấp dưới dễ dàng chấm điểm.
Phải khách quan, minh bạch, công khai kết quả chấm điểm nhưng cũng không gây khó cho cán bộ cấp dưới. Làm sao để cán bộ cấp dưới thẳng thắn chấm cán bộ cấp trên mà không lo lắng bị trù dập họ mới dám đánh giá thật lòng.
Cần chặt chẽ trong công tác giám sát, kiểm tra của cấp trên để việc đánh giá, xếp loại được khách quan, chính xác; kết hợp việc đánh giá, chấm điểm với công tác thi đua khen thưởng của khối do các ngành và các huyện cùng khối thi đua nhận xét và xếp loại.
Đồng thời nêu cao vai trò giám sát, đánh giá của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, dư luận xã hội và nhận xét của cán bộ cấp dưới bằng hình thức phiếu thăm dò...có như vậy mới nâng cao được hiệu quả công tác đánh giá.
Cuối cùng, cần tổng kết đúc rút kinh nghiệm từ việc này, đồng thời nhân rộng mô hình này sau khi có đánh giá khách quan để hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì dân phục vụ.