Kiểm soát vay tiêu dùng

H.Hương 11/02/2017 10:15

Cho vay tiêu dùng sẽ chính thức vào “khuôn khổ” kể từ ngày 15/3 tới. Theo đó, Công ty tài chính tiêu dùng cũng chỉ được cho vay dưới 100 triệu đồng/khách hàng, và khách hàng sẽ vay theo lãi suất thỏa thuận.

Thông tư số 43/2016/TT-NHNN do thống đốc NHNN vừa ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2017, đã đưa ra quy định phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững từ đây kỳ vọng đảm bảo quyền lợi người cho đi vay.

Theo quy định của Thông tư này, cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật. Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ bao gồm: mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở. Công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi Ngân hàng Nhà nước để giám sát.

Ngoài ra tại khoản 1 Điều 10, Thông tư cũng quy định rất rõ hợp đồng cho vay tiêu dùng phải bao gồm các nội dung về hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh; các biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật; chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn; điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại đối với trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng.

Công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng, phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính, cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin.

Giới chuyên gia cho rằng, hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải được đưa vào khuôn khổ để hạn chế các biến tướng về lãi suất mập mờ, điều khoản mập mờ, thiệt hại người tiêu dùng.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư 43 nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

H.Hương