Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: Thay đổi để hội nhập
Ngày 10/2, Bộ GD&ĐT phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục ĐH” nhằm đánh giá về những mặt làm được và chưa được của công tác kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua, làm rõ hơn mục tiêu và giải pháp về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH theo Thông tư mới của Bộ GD&ĐT.
Khách mời tham gia buổi tọa đàm.
Cần thiết phải thay đổi
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay, trong nhận thức và hành động của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên của hệ thống các trường ĐH Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, xem kiểm định chất lượng như một giải pháp quan trọng để duy trì, phát triển nhà trường. Các hệ thống văn bản phục vụ hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong mỗi nhà trường, hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản tương đối đầy đủ.
Về đội ngũ cán bộ phục vụ việc đảm bảo chất lượng, ông Trinh cho rằng đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ với hơn 700 cán bộ đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên. Trong đó, gần 240 người được cấp thẻ kiểm định viên, đủ điều kiện để tham gia đoàn đánh giá ngoài, đến đánh giá ở các trường ĐH.
Tuy hầu hết các trường ĐH Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, nhiều trường đã được đánh giá ngoài. Thậm chí nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước cũng như quốc tế nhưng sự đánh giá này chưa đồng đều ở tất cả các trường do vấn đề nhận thức. Có những trường tốt nhưng có những trường kém hơn. Tuy nhiên, các chế tài khuyến khích trường làm tốt, xử lý các trường chưa tốt lại chưa được đẩy mạnh.
Cụ thể, hiện nay, chuẩn đánh giá chất lượng của Việt Nam gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội), xét về nội dung, bộ tiêu chuẩn hiện hành cũng đã bao trùm khá nhiều nội dung hoạt động của trường ĐH, bao gồm hình thức quản lý, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, đội ngũ cán bộ, người học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất, tài chính… Tuy nhiên, giáo dục liên tục thay đổi, các chức năng của trường ĐH cũng có biến đổi.
“Hướng tiếp cận quản trị chất lượng, quản trị theo quy định của chuẩn cũ rất cần thiết với giai đoạn đầu phát triển của giáo dục. Nhưng xu thế quản trị, khi dần đạt được văn hóa chất lượng, các trường ĐH có ý thức tốt hơn trong xây dựng văn hóa chất lượng, việc áp đặt như vậy không đem lại hiệu quả bằng quản trị theo nguyên lý và nguyên tắc. Vì vậy, những mô hình quản trị mới đi theo hướng quản trị theo nguyên lý và nguyên tắc sẽ tốt hơn, phù hợp hơn”.
Chính vì những lý do đó, cần thiết phải xây dựng một thông tư mới, một bộ công cụ mới như là một thang thước đạt chuẩn khu vực, để từ đó, các trường đánh giá xem mình mạnh yếu ra sao, duy trì điểm mạnh, khắc phục hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Hướng tiếp cận mới
Dự thảo Thông tư Bộ GD&ĐT vừa ban hành nhằm đánh giá chất lượng, chu kỳ kiểm định các cơ sở giáo dục ĐH của hệ thống giáo dục ĐH ASEAN (AUN) với 111 tiêu chí. Các tiêu chí này không chỉ đánh giá, kiểm định về đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn tập trung vào mảng kết nối phục vụ cộng đồng, chú trọng cả về sở hữu trí tuệ. Đây cũng là cơ sở để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH, là một trong các tiêu chí để Bộ GD&ĐT quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH và để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới. Đồng thời, qua tiêu chuẩn kiểm định này, chúng ta thấy được các trường ĐH, CĐ của Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế.
Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Văn Long- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, Bộ tiêu chuẩn trong dự thảo có 111 tiêu chí, 25 tiêu chuẩn. So với thông tư hiện hành, bộ tiêu chuẩn mới có thêm 33 tiêu chí không có trong thông tư hiện hành và bỏ đi 7 tiêu chí cũ. Từ thực tế cho thấy, nhiều tiêu chuẩn tiêu chí mới tại thông tư dự thảo đề cập phản ánh một cách tương đối toàn diện, rõ nét những hoạt động của nhà trường, là vấn đề được nhà trường rất cần, xã hội quan tâm. Mặc dù thông tư hiện hành cũng có, nhưng hơi chung chung, dàn đều. Thông tư dự thảo đã khắc phục được những điểm này.
“Cách đánh giá theo 7 mức như thông tư dự thảo rất hay. Nếu đánh giá được theo 7 mức này, chúng ta sẽ biết được là chúng ta đang ở mức nào, ở đâu. Trong khi đó, thông tư hiện hành chỉ có 2 mức là đạt và chưa đạt”- ông Long nhấn mạnh.
Xã hội giám sát các cơ sở giáo dục ĐH
Theo ông Mai Văn Trinh, nhiệm vụ trọng tâm của một cơ sở giáo dục ĐH trước đây là đào tạo và nghiên cứu. Nhưng trong bộ công cụ theo dự thảo đặt rất mạnh một điểm nữa là phục vụ cộng đồng. Đó là sự hài lòng của các bên liên quan đối với cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng thể hiện sự giám sát xã hội với cơ sở giáo dục ĐH. Để làm được điều đó, bản thân cơ sở giáo dục ĐH phải có sự chuyển đổi, với sự đầu tư phát triển về các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, bộ công cụ mới nhấn mạnh đến tính hệ thống của đảm bảo chất lượng. Cụ thể, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các nhà trường phải vận hành như thế nào để các điều kiện đảm bảo chất lượng khác phát huy hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.
Hiện dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH đã được Bộ GD&ĐT công bố trên website của Bộ để xin ý kiến dư luận rộng rãi. Bộ tiêu chuẩn có 111 tiêu chí, 25 tiêu chuẩn cùng các giải pháp thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối, thị trường lao động quốc tế.