Hành thiện hay tạo nghiệt
Việc phóng sinh khoảng 10 tấn cá các loại trong dịp Tết vừa qua tại sông Hồng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Có hai luồng dư luận xung quanh vấn đề này. Một bên cho rằng giờ con người ta đã “thiện” hơn, như vậy sẽ tốt cho xã hội, các loại tội phạm sẽ giảm. Luồng ý kiến còn lại cho rằng phóng sinh đương nhiên là việc thiện, nhưng nếu phóng sinh những loài săn mồi thì lại là tạo nghiệt, vì chúng ăn thịt các loài khác, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên.
Lễ phóng sinh ở đoạn sông Hồng chảy qua Bát Tràng. (Ảnh: Viennamnet).
Xét theo giáo lý nhà Phật, trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất, trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất. Đó là nguồn cội của việc người ta phát tâm công đức phóng sinh các loài muông thú. Theo đó, khi thấy các loại chúng sinh bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, thì cần phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc, giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống của chúng sinh.
Ai chẳng có đức hiểu sinh, chỉ có điều họ thể hiện bằng phương thức nào mà thôi. Nhiều người chọn cách mua các loài vật bị bắt về phóng sinh tạo công đức. Tại nhà chùa, việc phóng sinh các loại cá, chim muông càng được làm thường xuyên hơn. Do vậy, nhiều năm qua, Thượng tọa Thích Chân Quang đã tổ chức lễ phóng sinh ở đoạn sông Hồng chảy qua Bát Tràng, được người dân hưởng ứng rất đông, số lượng cá được phóng sinh lên đến hàng chục tấn.
Đó là bàn về đạo pháp. Còn xét theo khía cạnh sinh học thì việc phóng sinh các loại cá là vô cùng tốt, bởi nó tạo sự đa dạng sinh học cho môi trường tự nhiên, mà cụ thể ở đây là sông Hồng. Song, vấn đề ở chỗ việc hành thiện theo cách nói của nhà Phật, hay làm đa dạng sinh học theo cách nói của khoa học tự nhiên, thì cũng cần có sự hiểu biết và kiểm soát chặt chẽ để tránh dẫn tới hậu quả lợi bất cập hại. Nếu chỉ làm theo phong trào, thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những hậu họa khôn lường, xét cả về tâm linh lẫn khoa học.
Chiếu theo giáo lý nhà Phật, việc phóng sinh một loài ăn thịt để rồi nó săn các loài khác thì có khác gì chúng ta gián tiếp giết hại những sinh vật kia. Vậy thì chúng ta không những không được ghi nhận là hành thiện, mà còn gián tiếp tạo ra tội sát sinh. Còn nếu nhìn ở góc độ sinh học thì việc tạo các cá thể săn mồi ra môi trường sẽ tạo tiền đề cho sự tuyệt chủng của những giống loài khác, gây mất cân bằng môi trường tự nhiên.
Trở lại với buổi lễ phóng sinh tại sông Hồng, đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang khẳng định, nhà chùa không hề mua các loài cá chim trắng, cá hổ Nam Mỹ, hay các loài ngoại lai săn mồi để thả. Tuy nhiên, trong buổi lễ phóng sinh có quá đông người tham gia nên nhà chùa không thể kiểm soát được hết việc một số người thả sinh vật ngoại lai xuống sông. Không ai dám trách cứ việc phóng sinh hành thiện, song dù vậy thì cũng cần có sự kiểm soát tốt hơn để việc tạo phước cho chúng sinh được thập toàn, thập mỹ, tránh gây hại cho môi trường tự nhiên.
Về vấn đề này, các chuyên gia thủy sản khẳng định, nếu chỉ thuần túy là cá chim trắng thì không có vấn đề gì nguy hại tới môi trường tự nhiên. Cá chim trắng vốn là sinh vật ngoại lai nhưng đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu và cũng không nằm trong danh mục cấm nuôi vì loài này không hung hăng như những loài săn mồi khác. Riêng về rùa tai đỏ và cá hổ Nam Mỹ thì không cần nói chắc ai cũng biết mức độ nguy hiểm khi thả chúng vào môi trường tự nhiên.
Chưa kể đến rùa tai đỏ, chỉ riêng cá hổ Nam Mỹ cũng có tập tính săn mồi theo đàn, ăn tạp và rất hung dữ. Nếu thả chúng ra ngoài tự nhiên sẽ là một nguy cơ lớn đối với các sinh vật bản địa như cướp mất phần thức ăn, tấn công các loài cá nhỏ và nguy cơ tiềm ẩn, nhất là gây bệnh cho loài cá bản địa, giết chết các loài cá sống ở các khu vực loài này sinh sống vì không có kháng thể. Do vậy không những không được phép thả, mà việc nuôi nhốt các loài sinh vật này cần được quản lý chặt chẽ, tránh để chúng có thể thoát ra ngoài môi trường tự nhiên gây hại.
Vẫn biết phóng sinh cá, chim, thú là việc hành thiện và là tín ngưỡng của mỗi người. Song, nếu thực sự muốn hành thiện thì chúng ta cũng cần phải biết thêm về giáo lý nhà Phật, để không từ việc làm thiện lại biến thành tạo nghiệt. Việc làm trên không chỉ là hành thiện mà còn là việc làm bảo vệ môi trường sinh học đa dạng của tự nhiên, tránh làm tuyệt chủng những giống loài quý hiếm. Dù là về góc độ tín ngưỡng hay khoa học, đừng vì a dua theo phong trào, kèm theo đó là sự thiếu hiểu biết mà mục đích hành thiện biến thành tạo nghiệt!