Giám sát để phát huy sức mạnh đoàn kết

Việt Hà (thực hiện) 12/02/2017 08:05

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được không thể phủ nhận vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Bà Hà Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết.

Giám sát việc thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính tại Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình.

Điểm qua các kết quả hoạt động của MTTQ tỉnh Tuyên Quang thời gian qua có thể thấy nổi bật hơn cả là công tác giám sát phản biện. Vậy bà có thể nói rõ hơn về kết quả này?

Bà Hà Thị Thu Hiền: Chúng tôi luôn xác định giám sát và phản biện xã hội là trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với dân, với Đảng. Bởi vậy 3 năm qua, MTTQ tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên môn thành lập các đoàn giám sát thực hiện 11 cuộc giám sát với 8 nội dung, gồm những vấn đề nổi cộm, nhân dân đang quan tâm như: Giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công; thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông lâm nghiệp; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân;… Qua đó đã kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, xử lý sai phạm.

Đối với cấp huyện và cơ sở Ban thường trực MTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Trong 2 năm 2015 và 2016, MTTQ các huyện, thành phố đã thực hiện 23 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung: Thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình; công tác quản lý các công trình nước sạch; quy trình bình xét và tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm; việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Đặc biệt tham gia giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở mà nhân dân quan tâm, kiến nghị. Qua đó, phát huy được vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Cùng với giám sát thì phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã từng bước được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, nghị quyết của Đảng, HĐND, quyết định của UBND; các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua hoạt động đã góp phần phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội…Có thể khẳng định rằng, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực trong công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là công tác khó khăn và phức tạp, chịu sự tác động nhiều chiều. Bởi vậy, những người cán bộ Mặt trận thực hiện công tác này không chỉ đòi hỏi chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề…mà cần hơn cả là cái tâm, lòng nhiệt thành với công việc. Vậy trong quá trình triển khai MTTQ các cấp trong tỉnh đã gặp những khó khăn gì, thưa bà?

- Phải chia sẻ rằng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một hoạt động khó khăn. Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng thời gian qua một số tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

Vậy làm thế nào để có được kết quả trên? Xin chia sẻ rằng, MTTQ các cấp trong tỉnh phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước một. Như việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa chủ động, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức.

Hay như nội dung giám sát có đơn vị lựa chọn còn chưa phù hợp tình hình thực tế ở ngành, địa phương; phương pháp giám sát còn chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn…

Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét. Việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền. Chưa phát huy vai trò của các chuyên gia, các Hội đồng tư vấn. Việc mở rộng các hình thức tập hợp ý kiến nhân dân trong góp ý xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế…

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, tác dụng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ.

Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn thiếu; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Điều kiện và kinh phí hoạt động của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

Cá nhân tôi cho rằng, khi chỉ ra được nguyên nhân thì sẽ có cách khắc phục. Thời gian tới MTTQ tỉnh cũng đặt quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại để phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội.

Bà có thể nói rõ hơn về quyết tâm này. Cụ thể MTTQ tỉnh sẽ làm gì để phát huy hơn nữa công tác này trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng muốn thể hiện tốt vai trò của Mặt trận nói chung, trong đó có giám sát và phản biện xã hội, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, các cấp ủy đảng cần tập trung chỉ đạo triển khai quán triệt đồng bộ và sâu rộng hơn nữa các Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị (khóa XI); ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cần chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tăng cường phối hợp tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai nội dung Quy chế, Quy định và các văn bản hướng dẫn thực hiện của trung ương, của tỉnh đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.

Trân trọng cảm ơn bà!

Giám sát của MTTQ Việt Nam không mang tính quyền lực nhà nước mà mang tính nhân dân với cơ chế là “theo dõi, phát hiện, kiến nghị”. Tại khoản 1, Điều 12 Luật MTTQ Việt Nam quy định mục đích hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam là: Hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Việt Hà (thực hiện)