'Chất xám' chảy về nước qua môi trường khoa học
Khoảng 10% trong tổng số trên 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ cao trên các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước. Nếu sử dụng nguồn “chất xám” này, môi trường về khoa học – công nghệ trong nước cũng phải phát triển tương xứng, kèm theo một chế độ đãi ngộ phù hợp...
TP HCM là một trong số ít địa phương có kinh nghiệm trong thu hút trí thức kiều bào về đầu tư (Ảnh: Hồng Phúc).
Sức hấp dẫn từ “khởi nghiệp”
TS Dương Minh Trí (kiều bào Đức, Viện Vật lý TP HCM) chia sẻ, hiện nay Việt Nam có khoảng 493.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có nghĩa cứ khoảng 200 người Việt mới có một doanh nghiệp. Trong khi ở các nước công nghiệp cứ khoảng 15 - 20 người thì có một doanh nghiệp.
“Rất tiếc hầu như tất cả các doanh nghiệp này có vốn rất khiêm tốn và hoạt động với các công nghệ lạc hậu, máy móc cũ…Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam luôn thua kém trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trong nước và nước ngoài. Người ta có thể so sánh các doanh nghiệp này trong nền thị trường thế giới như những chiếc thuyền thúng lênh đênh trên biển cả”, TS Trí nhìn nhận.
Theo TS Trí, hiện nay Chính phủ Việt Nam phát động phong trào khởi nghiệp đưa đến hi vọng đến năm 2020 con số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam sẽ đạt đến 1 triệu và trong tương lai có thể lên đến 5 triệu.
Năm 2016 được gọi là “năm startup” của Việt Nam. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Nhà nước là một thành phần của hệ sinh thái, nhưng nhà nước không cần can thiệp sâu mà chỉ cần tạo mội trường kinh doanh minh bạch”, TS Trí góp ý.
Không ít chuyên gia cho rằng, từ trước tới nay sự nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam chỉ được đầu tư và tập trung ở các đại học, viện nghiên cứu.
Trong các doanh nghiệp gần như không hề có những cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển, cải tiến sản phẩm của công ty. Trong khi đó, hầu hết các nghiên cứu viên trong các đại học, viện nghiên cứu gần như chưa có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp, tiếp cận trong khâu sản xuất sản phẩm dùng trong xã hội.
Hiện nay, kinh phí nghiên cứu khoa học hầu như ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản, một lĩnh vực có những đòi hỏi mà nước ta chưa đáp ứng được: kinh phí nghiên cứu cao và dài hạn, thiết bị nghiên cứu thường rất đắt tiền và đặc biệt đòi hỏi trình độ nghiên cứu viên cho nghiên cứu cơ bản phải nhiều kinh nghiệm và rất giỏi.
Kỳ vọng vào nhân lực cao
Dòng “chất xám” đổ về nước từ khi Nhà nước trải “thảm đỏ” đón kiều vào về nước đầu tư, phải kể đến những cái tên như Johnathan Hạnh Nguyễn (kiều bào Philippines, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất khẩu liên Thái Bình Dương); ông David Dương (kiều bào Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Xử lý chất thải Việt Nam); ông Nguyễn Văn Công (kiều bào Pháp, Trưởng nhóm kỹ sư xây dựng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long); TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố, thuộc Sở NN&PTNT TP HCM); TS Lương Bạch Vân và TS Nguyễn Bình, kiều bào Pháp làm việc tại Ủy ban MTTQ TP HCM.
Từ năm 2015 cho đến nay, các du học sinh trở về nước cũng mang theo những kỳ vọng mới cho đất nước. Nhất là các em trở về từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Anh, Mỹ, các nước EU, Singapore, Nhật Bản,…
Theo ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, trong tất cả các đối tượng cần thu hút thì du học sinh là nguồn tiềm năng nhất và nên được tập trung đầu tiên.
Chẳng hạn, khi Intel và SamSung vào, thành phố chỉ cần thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ là thành công, vì cái họ cần nhất là nhân lực trình độ cao cộng với năng lực sáng tạo và điều này rất cần thiết và có lợi cho không chỉ riêng TP HCM mà cả nước. Ông Du dẫn thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, hiện cả nước có 130.000 du học sinh đang du học tại các nước.
Thế nhưng, chuyện về hay ở của du học sinh tùy thuộc vào các chính sách đãi ngộ, cũng như sự minh bạch và rõ ràng từ thu hút đầu tư. “Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ.
Nói cách khác khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình”, chuyên gia Huỳnh Thế Du hiến kế.
Trong số những nhân tố du học sinh vừa trở về nước, sẵn sàng từ bỏ mức lương hấp dẫn để cống hiến có Huỳnh Hạnh Phúc, du học sinh tại Mỹ. Hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Missouri (Mỹ) và thạc sĩ chính sách công (MPP) tại Đại học Harvard (Mỹ), anh Huỳnh Hạnh Phúc đã quyết định trở về nước cống hiến, với sáng kiến “Teach For Vietnam” trong lĩnh vực giáo dục.
Phúc chia sẻ, anh sẵn sàng bỏ mức lương cao Intel Việt Nam tại TP HCM với trên 100 triệu đồng/tháng, để theo đuổi dự án giáo dục “Teach For Vietnam” mà anh đã ấp ủ bấy lâu.
“Chúng tôi muốn dự án khi được triển khai ở Việt Nam sẽ đem đến cơ hội cải thiện một nền giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và thực tiễn, thông qua việc tuyển chọn các hạt giống xuất sắc nhất từ đa ngành nghề, với kỹ năng về tiếng Anh. Dự án sẽ giúp đào tạo đội ngũ kỹ sư có kỹ năng sư phạm và kỹ năng mềm và chính từ nguồn nhân lực này sẽ giúp cho giáo dục Việt Nam có nhiều bước tiến rất lớn”, Huỳnh Hạnh Phúc đặt kỳ vọng.
Vậy “Teach For Vietnam” là gì? Phúc cho biết, đó là phương pháp giảng dạy mới mà học sinh được đặt vào vị trí trung tâm, giúp các em phát huy hết tiềm năng của mình, đánh thức trong các em đam mê học tập và giúp các em định hướng, xây dựng mục tiêu, tăng khả năng suy luận, sáng tạo, các kỹ năng mềm thiết yếu và ngoại ngữ.
Phương pháp mới sẽ khắc phục những bất cập của tư duy giáo dục truyền thống hiện nay còn trọng việc giáo viên là trung tâm, hệ quả là học sinh thụ động, dẫn đến các em chán học, mất dần tư duy sáng tạo.
Hiện nay dự án của Huỳnh Hạnh Phúc đã được giới thiệu tại nhiều địa phương, trong đó các trường tại Hà Nội và TP HCM đã bước đầu ứng dụng, đem đến khả năng sáng tạo mới cho các em học sinh ở các cấp học phổ thông. Nói về mục tiêu sắp tới, Phúc bày tỏ mong muốn được đưa “Teach For Vietnam” đến với trẻ em nghèo ở những vùng còn khó khăn.
Theo Phúc, việc dạy tiếng Anh, các kỹ năng mềm cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa là điều mà anh và nhóm cộng sự luôn trăn trở khi quyết định trở về cống hiến cho đất nước.
Ý tưởng về thu hút nguồn “chất xám” trẻ về nước không còn chỉ là câu chuyện kêu gọi. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã duyệt Đề án “Xây dựng Mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới”, với mục tiêu thúc đẩy kết nối các chuyên gia Việt Nam trên toàn thế giới và các chuyên gia giỏi nước ngoài về nước, gắn với các ngành, lĩnh vực cụ thể phục vụ phát triển đất nước.