Khởi nghiệp thành công: Dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro
Đó là nhận định của vị giám đốc trẻ - ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh và Trung tâm kinh doanh trực tuyến, hệ thống FPT Shop khi chia sẻ với Đại Đoàn Kết, về những tố chất của một doanh nhân trẻ khi bước chân vào sự nghiệp kinh doanh hiện nay, hay như người ta hay nói là sự nghiệp “start up” hiện nay.
Ông Ngô Quốc Bảo.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ hiện nay?
Ông Ngô Quốc Bảo: Tôi đã có dịp đi đến một số khu vực trên thế giới, và tôi nhận thấy Việt Nam là một trong những nước có tinh thần khởi nghiệp rất cao, độ tuổi khởi nghiệp khá trẻ.
Hiện có rất nhiều bạn trẻ với niềm đam mê làm giàu đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh từ rất sớm và không ít trường hợp đã đạt được những thành công bước đầu, rất nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp được mở ra tại các trường đại học, các trung tâm văn hóa...
Cũng là một doanh nhân trẻ và đã gặt hái được khá nhiều thành công trên thương trường, với kinh nghiệm của mình, ông có thể nêu lên những khó khăn đối với các doanh nhân trẻ trong quá trình khởi nghiệp hiện nay? Tại sao Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên, nhân lực, lợi thế về nhiều thứ... lại không thể phát triển mạnh mẽ mà cứ mãi đi sau?
- Thực tế, tinh thần khởi nghiệp bùng cháy là một điều đáng khích lệ. Nhưng đi kèm với tinh thần ấy còn phải có rất nhiều yếu tố khác nữa, và một trong những yếu tố quan trọng đó là vốn.
Và đây là vấn đề khó khăn mà các doanh nhân trẻ của Việt Nam phải đối đầu. Việt Nam có nhiều tài nguyên, nhân lực trẻ, năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm nhưng việc khởi nghiệp vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ trong nước vì nhiều lí do: Chẳng hạn khởi nghiệp thì cần vốn nhưng việc kêu gọi vốn trong nước lại khó khăn hơn một số nước lân cận, tôi ví dụ ở Singapore số lượng quỹ nhiều hơn hẳn nước ta, các quỹ lại chủ động đi săn doanh nghiệp, còn ở Việt Nam thì doanh nghiệp lại phải đi tìm quỹ. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều chính sách, quy định, quy trình phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, chính vì vậy, rất nhiều ý tưởng hay vẫn chưa có được đủ các điều kiện để thực hiện…
Thời gian qua, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp cho biết, chính môi trường kinh doanh, chính sách của nhà quản lý đang tạo ra nhiều rào cản khiến họ sợ tham gia thương trường, ngại mở rộng quy mô. Điều này cũng là mối e ngại của chính lớp trẻ hiện nay. Theo ông, môi trường kinh doanh phải thay đổi như thế nào để tạo lực đẩy cho tinh thần khởi nghiệp?
- Để khuyến khích mọi người mạnh dạn khởi nghiệp thì chính sách phải thực sự vì doanh nghiệp, rõ ràng, minh bạch, ổn định; được tuân thủ, thực thi nghiêm túc; môi trường kinh doanh thông thoáng nhưng lại an toàn, đảm bảo sự giám sát, tính cảnh báo đạt hiệu quả đối với các nguy cơ gây “tai nạn” cao ngay từ đầu; các hội, hiệp hội thực sự mạnh, giúp nhau trong kinh doanh được nhiều hơn…
Nhìn sang nước bạn, Singapore, các chính sách của họ hết sức thông thoáng, một doanh nghiệp ở Singapore trong vòng tối đa 2 ngày họ có được giấy phép đăng ký kinh doanh, tài khoản ngân hàng và sau đó họ đi vào hoạt động.
Vốn điều kiện tối thiểu chỉ cần... 1 USD. Điều này với Việt Nam là quá xa vời. Singapore lại là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, nguồn nhân lực về số lượng có thể không bằng nước ta nhưng nhân lực có trình độ chuyên môn cao lại đứng đầu khu vực.
Singapore lại có thương hiệu quốc gia mạnh, có nghĩa là doanh nghiệp thành lập tại đây sẽ dễ dàng được “bảo chứng” để vươn ra khu vực và thế giới hơn. Với các điều kiện như thế trong khi việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở nước ta hiển nhiên là sẽ không nhanh chóng dễ dàng như họ nên đã có rất nhiều trường hợp đem chuông đi đánh xứ người, khởi nghiệp ở nước bạn chứ không phải ở nước mình.
Chưa bao giờ, 2 chữ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như hiện nay, không chỉ bởi tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ rất khí thế mà còn ở những động thái, chính sách mà Chính phủ, nhà quản lý đang hướng đến nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN nói chung, cho các DN khởi nghiệp nói riêng.
Đơn cử như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 được đưa ra trong năm 2016 và mới đây nhất là thêm một Nghị quyết 19 cũng về tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những động thái nói trên của Chính phủ chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các DN khởi nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, để những cải cách chính sách có tác động thực sự đến doanh nghiệp, bên cạnh các công cụ pháp lý, điều quan trọng hơn cả chính là ý thức và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách, biến chính sách thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Theo ông, thanh niên Việt Nam cần có những tố chất gì để có thể trở thành những nhà lãnh đạo, những doanh nhân làm chủ đất nước trong tương lai?
- Tôi cho rằng, để có thể trở thành những nhà lãnh đạo, các bạn trẻ Việt Nam trước hết cần phải có đam mê, phải luôn mơ ước, khát khao làm được những điều tốt hơn, lớn lao hơn. Nếu không có sự say mê, thì một nhà lãnh đạo sẽ không thể có được những quyết định táo bạo và tâm huyết.
Bên cạnh đó, kiến thức sâu rộng và ham học hỏi là yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ không ngừng nâng cao kiến thức, nhận biết và cập nhật những thông tin và tri thức mới. Một người lãnh đạo tài ba phải có óc sáng tạo, luôn phải suy nghĩ để làm sao đưa ra những chiến lược thực hiện tầm nhìn một cách hiệu quả nhất.
Trong bất cứ công việc nào thì cũng cần phát huy trí sáng tạo để thực hiện công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất, chất lượng đảm bảo nhất. Và một tố chất nữa có tính quyết định sự thành bại của một doanh nhân khi khởi nghiệp, đó là lòng dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Đầu tiên là phải dũng cảm vượt qua những cản trở, những lời “bàn ra” từ chính gia đình, bè bạn, người thân của mình. Người Việt ta cũng hay có tâm lý ăn chắc mặt bền, tôi biết rất nhiều người trẻ ấp ủ nhiều ý tưởng nhưng cuối cùng đã không dũng cảm vượt qua những “lời khuyên” từ gia đình, bè bạn của mình nên đã “đầu hàng” chọn một công việc an nhàn với thu nhập chấp nhận được.
Vượt qua được rào cản và quyết âm khởi nghiệp rồi, thì với vị trí một người lãnh đạo khi đó phải luôn xác định rõ, bạn đại diện cho ai và cần phải làm gì. Bạn phải dũng cảm và cương quyết trong các vấn đề liên quan sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp dù là doanh nghiệp to hay rất nhỏ.
Đồng thời, người lãnh đạo tài năng là người không trốn tránh trước thực tế giảm sút, biết lường trước những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp mình.
Và tôi tin rằng, với tinh thần khởi nghiệp đang ngày càng bùng cháy, lan tỏa hiện nay, với những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN khởi nghiệp thành công hơn nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. |